Nâng cao hiệu quả tiếp thị bằng nội dung

Dù tiếp thị bằng nội dung không còn là cách làm mới mẻ nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách khai thác để xây dựng quan hệ với khách hàng và củng cố lòng trung thành của họ.

Web

Theo Craig Fitzgerald – Giám đốc biên tập của IMN (một nhà cung cấp dịch vụ tiếp thị kỹ thuật số), muốn thu được thành công khi tiếp thị bằng nội dung, các doanh nghiệp cần thực hiện vai trò như những nhà xuất bản…

Tác giả cho rằng khi sử dụng hình thức tiếp thị bằng nội dung trên internet (thông qua bản tin điện tử, tài khoản Facebook, Twitter hay nhật ký điện tử) để kể một câu chuyện về nhãn hiệu của mình là doanh nghiệp đã làm công việc của một nhà xuất bản. Vì vậy, doanh nghiệp cần nhận thức được tầm quan trọng của chương trình tiếp thị nội dung đang thực hiện và có kế hoạch quản lý, đánh giá hiệu quả của chương trình đó.

Khi nhìn nhận về kết quả thực hiện chương trình, không ít chuyên gia gặp nhiều thách thức rất lớn, chẳng hạn nguồn nội lực bị hạn chế, khó tìm được những nội dung được khách hàng quan tâm và phù hợp với các quy định của pháp luật, không dễ tuyển được những người viết nội dung tốt… Từ thực tế trên, Fitzgerald đưa ra những lời khuyên sau đây giúp các doanh nghiệp thực hiện thành công chương trình tiếp thị bằng nội dung để xây dựng quan hệ với khách hàng và củng cố lòng trung thành của họ.

1. Đặt ra các mục tiêu cho chương trình. Trước khi triển khai một chương trình tiếp thị bằng nội dung, doanh nghiệp cần đặt ra những mục tiêu cụ thể cần đạt được dùng làm cơ sở để lựa chọn các loại nội dung sẽ cung cấp cho khách hàng. Theo khảo sát của IMN, mức độ nhận biết và sự gắn kết của khách hàng hiện tại và khách hàng triển vọng là hai mục tiêu hàng đầu của các chương trình tiếp thị bằng nội dung mà các doanh nghiệp thường đặt ra (chiếm tỷ lệ 51%). Lòng trung thành của khách hàng, sự gia tăng cơ hội bán hàng, tăng doanh thu và những ý tưởng mới mẻ là những động lực khác góp phần làm nên thành công cho một chương trình tiếp thị bằng nội dung.

Sau khi xác định mục tiêu, doanh nghiệp cần lựa chọn nội dung phù hợp với mục tiêu đó. Nếu “Gắn kết khách hàng triển vọng” là mục tiêu hàng đầu thì nội dung mà doanh nghiệp cần cung cấp phải đầy đủ thông tin về sản phẩm, dịch vụ và giới thiệu khái quát về doanh nghiệp.

2. Lựa chọn nhiều kênh truyền thông khác nhau. Truyền thông xã hội và nhật ký điện tử là hai kênh tiếp thị bằng nội dung khá mới mẻ, giúp doanh nghiệp có thêm các “điểm tiếp xúc” để tương tác với khách hàng. Tương tự như công việc của một nhà xuất bản, doanh nghiệp cần phải vạch ra một chiến lược đăng tải nội dung lên từng kênh cụ thể để tận dụng thế mạnh của mỗi kênh. Chẳng hạn, nhật ký điện tử có ưu thế là giúp giữ lại những khách hàng hiện tại và triển vọng đã ghé thăm một trang web, trong khi bản tin điện tử giúp doanh nghiệp theo dõi mức độ tương tác của khách hàng đối với một số loại nội dung và thư chào hàng nhất định.

Ngoài ra, nên phân bổ thời gian đăng tải nội dung lên các kênh truyền thông cho hợp lý, tránh đồng thời “dội bom” trên nhiều kênh chỉ bằng một nội dung. Thay vào đó, nên tạo ra cho khách hàng những trải nghiệm khác biệt ở từng kênh truyền thông nhằm kích thích sự hưởng ứng của họ.

3. Triển khai kế hoạch tiếp thị bằng nội dung. Để triển khai hiệu quả kế hoạch tiếp thị bằng nội dung, doanh nghiệp cần xây dựng một lịch biên tập làm cơ sở cho chương trình.Khảo sát của IMN cho thấy chỉ mới có 32% doanh nghiệp lên lịch biên tập. Lịch biên tập nêu ra các chủ đề sẽ được biên soạn và phát hành theo một trình tự thời gian nhất định, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực về thời gian. Trong lịch quy định rõ ai chịu trách nhiệm biên tập nội dung nào và thời hạn hoàn thành, thời điểm xuất bản.

4. Đánh giá hiệu quả của chương trình. Khi chương trình được tung ra, doanh nghiệp cần rà soát xem các mục tiêu đã đặt ra được thực hiện đến đâu để đánh giá kết quả và hiệu quả. Ngoài những tiêu chí đánh giá do doanh nghiệp xây dựng, nên sử dụng thêm các công cụ đánh giá được xây dựng sẵn đối với từng kênh truyền thông đểthu được mức độ đánh giá chính xác và toàn diện hơn.

Khi sử dụng các kênh tiếp thị kỹ thuật số, doanh nghiệp nên đánh giá hiệu quả của chương trình tiếp thịtheo thời gian thực và nhanh chóng rút ra các biện pháp cải thiện hiệu quả. Google Analytics là một công cụ miễn phí cho phép doanh nghiệp đánh giá được hiệu quả của một trang web và những nội dung nào có sức thu hút khách hàng đến trang web đó. Twitter và Facebook đều giúp doanh nghiệp nắm được một số thông tin của những người theo dõi tin (follower) và các khách hàng hâm mộ (fan), ví dụ họ đang sống ở đâu, họ quan tâm đến những nội dung nào… Bản tin điện tử lại cung cấp cho doanh nghiệp các số liệu thống kê và số lượng thư gửi đi, số lượng thư được mở, khi nào thư được mở, ai là người mở thư và số lượt khách hàng truy cập vào trang web sau khi đọc thư…

Trong số các dữ liệu nói trên, quan trọng nhất là thông tin về những nội dung mà khách hàng quan tâm. Chỉ khi nắm chắc thông tin ấy, doanh nghiệp mới cung cấp cho khách hàng những nội dung phù hợp, tăng cường được sự tương tác, gắn kết và phát triển quan hệ lâu dài với họ.

Theo DNSG *

related-post