Giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt khó – Đại biểu Quốc hội hiến kế

Làm gì và làm như thế nào để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt khó? Câu hỏi trên đã là nỗi băn khoăn day dứt của các đại biểu Quốc hội nhiều năm qua. Tại kỳ họp Quốc hội lần này, câu chuyện giải cứu doanh nghiệp lại tiếp tục làm nóng diễn đàn…

 

Trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, nhiều chuyên gia kinh tế là đại biểu Quốc hội cho rằng, lực lượng chủ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là doanh nghiệp, vì vậy các cơ quan chức năng phải thực sự góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

136a

Tiến sĩ Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hồ Chí Minh đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Nhan Sáng.

 

Phát biểu trước Quốc hội, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị: 5 vấn đề cần phải giải quyết ngay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Một là, Chính phủ xử lý nợ xây dựng cơ bản của các doanh nghiệp. Hai là, tất cả các chủ trương về giảm thuế để tăng sức lực cho doanh nghiệp thì nên chuẩn bị kỹ và đến hạn thực hiện là thực hiện ngay để nó góp phần tích cực. Ba là, phát hành trái phiếu Chính phủ để đưa vào lĩnh vực chúng ta tăng tổng cầu. Bốn là, triển khai nhanh công ty xử lý nợ xấu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn vay càng nhanh, càng tốt, càng nhiều, càng hay. Năm là, điều chỉnh linh hoạt hơn tỷ giá để theo hướng khuyến khích xuất khẩu nông thủy sản, kể cả Đồng bằng sông Cửu Long, miền Bắc và các khu vực chúng ta đang có nhiều lợi thế trong xuất khẩu. Điều chỉnh một bước những tư tưởng chỉ đạo theo tinh thần tăng tổng cầu, khôi phục sức khỏe cho doanh nghiệp tạo niềm tin và nhuệ khí phấn đấu cho doanh nghiệp.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Anh hùng Phan Văn Quý, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An phản ánh: Khó khăn chính của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được tháo gỡ, đó là hàng tồn kho vẫn lớn và tỷ lệ nợ xấu vẫn cao.

 

Đại biểu Phan Văn Quý đề nghị cần có nhiều biện pháp để tăng trưởng tín dụng, tháo gỡ tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Mô hình như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kết hợp với chính quyền và doanh nghiệp đã làm trong thời gian qua tại Quảng Ninh và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có tác dụng tốt, cần được nhân rộng.

 

Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, Tiến sĩ Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng cổ phần Công thương Việt Nam, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội lý giải: Vấn đề cốt lõi để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp hiện nay là sức mua của nền kinh tế vẫn giảm, hàng hóa tồn kho lớn, năng lực tài chính của doanh nghiệp hạn chế, cầu có khả năng thanh toán vẫn chưa được cải thiện. Giải quyết vấn đề này cần kích cầu, đầu tư tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho và khôi phục niềm tin của thị trường.

 

Trả lời phỏng vấn các nhà báo đang theo dõi kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm: Muốn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực sự hiệu quả, thì phải hiểu đúng được đâu là thứ doanh nghiệp cần.

 

Theo đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách thì có ba thứ doanh nghiệp đang rất cần. Đó là vốn, thị trường và khuôn khổ pháp lý.

 

Vốn được coi như “máu” của doanh nghiệp. Nguồn vốn của doanh nghiệp hiện nay chủ yếu dựa vào tín dụng của ngân hàng, nhưng nguồn vốn tín dụng đang bị một điểm nghẽn là nợ xấu, được ví như cục máu đông. Vậy thì Chính phủ phải làm sao định hướng ngân hàng “giải phẫu” cục máu đông này. Ngân hàng cần đặt mục tiêu cứu doanh nghiệp cũng như cứu mình thì mới giải quyết được tình trạng này, chứ không như vừa qua, nhiều ngân hàng chỉ tập trung thu nợ mà không tính toán đầy đủ đến chuyện phải để vốn để doanh nghiệp sống. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tạo vốn. Các chính sách về giảm thuế vừa qua chính là hình thức để tạo vốn cho doanh nghiệp.

 

Cái cần thứ hai là thị trường. Thị trường cũng là một trong những điều kiện bảo đảm sự sống còn của doanh nghiệp. Chính phủ phải làm thế nào để thúc đẩy được sức mua, nếu cứ bỏ mặc cho việc hàng hóa doanh nghiệp làm ra để bán trên thị trường mà thị trường bị chậm, sức mua giảm và chỉ coi đó như là việc của doanh nghiệp thì rất khó cải thiện tình hình. Phải có bàn tay của Nhà nước để kích hoạt tất cả các thị trường thông qua các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa. Chẳng hạn, Chính phủ có các động thái kích hoạt cho thị trường bất động sản là rất nên làm. Hay kích hoạt thị trường bằng cách thực hiện tuyên truyền, vận động mạnh mẽ hơn để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam…

 

Cái cần thứ ba của doanh nghiệp là các cơ quan nhà nước cần bảo đảm một khuôn khổ pháp lý ổn định. Nhiều doanh nghiệp nói rằng, không cần Nhà nước hỗ trợ gì cả nhưng Nhà nước phải minh bạch về cơ chế, chính sách, phải bảo đảm chính sách, hàng rào kỹ thuật ổn định. Nếu không ổn định thì doanh nghiệp cũng không thể nào tính toán hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh.

 

Theo QĐND

related-post