Khắc phục sự do dự để thành công

Do dự, chần chừ, lưỡng lự là một trong những lý do khiến bạn không thể thành công. Bởi vì bạn sẽ không thể tìm thấy một cơ hội, một quyết định tạo ra sự thay đổi lớn. Vậy làm sao để khắc phục sự do dự, trì hoãn? Dưới đây là một số gợi ý.

Hãy ở hiện tại
 
Sự chần chừ là một lĩnh vực rất rộng. Một trong những khó khăn lớn nhất khi đối mặt với sự chần chừ là hành động “đánh lén” mà nó gây ra cho bạn. Chỉ cần một hai lần “mình sẽ làm chuyện này sau” hoặc “bây giờ chưa được” đã đủ khiến danh sách công việc của bạn dài ra và chẳng chóng thì chầy cũng dài cả thước. Đến lúc đó nó lại khiến bạn cảm thấy “quá tải” và bắt đầu lặp lại chu trình chần chừ.
 
Khi còn lưỡng lự, chần chừ bạn hãy nghĩ tới khẩu hiệu “Làm ngay. Làm ngay. Làm ngay”. Đây là công cụ tuy đơn giản nhưng lại thật mạnh mẽ và hơn thế nữa nó còn ra lệnh cho bạn phải hành động. Nhất thiết bạn phải thử nghiệm công cụ này. Còn chờ gì nữa. Làm ngay. Làm ngay. Làm ngay.
 
Món quà cho thời gian
 
Bạn đã nghe đến quà tặng là thời gian, còn bây giờ bạn sẽ biết thế nào là quà tặng cho thời gian.

Những người chần chừ rất giỏi tìm ra lý do để khỏi phải bắt đầu làm điều gì đó. Thế rồi họ tự lừa dối mình bằng ý nghĩ rằng nếu trước tiên họ làm một việc gì khác thì kết quả của nó sẽ giúp họ thật sự bắt đầu.
 
Lúc này là 9h sáng, rất lý tưởng để bắt đầu và bạn có thể…
 
9h: Bạn bật máy tính lên, và trong khi chờ nó khởi động, bạn kiểm tra xem mình đã có đủ thứ cần thiết để viết báo cáo chưa. Tiếp theo bạn nhắm mắt trong 30 giây và tưởng tượng hình ảnh mình sau khi đã xong việc.
 
9h03: Bạn bắt đầu với mục tiêu là viết xong 500 từ đầu tiên, và phần thưởng của bạn là một ly cà phê.
 
9h30: Đã xong 500 từ đầu tiên. Thế nên bạn dừng lại pha ly cà phê cho mình
 
9h35: Bạn tiếp tục viết báo cáo, tự nhủ rằng mình sẽ xem email sau khi hoàn thành tiếp 500 từ nữa.
 
10h: Chà, báo cáo xong rồi này! Đúng là nó chỉ mất có 1h đồng hồ thôi sao? Giờ đây bạn có thể ngồi xem email, như một phần thưởng, và biết đâu trong số đó có một điều thật đặc biệt cho bạn.

Hãy công khai thời hạn hoàn thành
 
Bằng cách công khai thời hạn hoàn thành, bạn sẽ khiến công việc được thực hiện. Tuy nhiên cách này chỉ thật sự hiệu quả nếu bạn có lòng tôn trọng đối với người mà bạn cam kết.
 
Hãy tự gửi email, tin nhắn hoặc để lại lời nhắc trong hộp thư thoại của mình với nội dung là những lời cam kết, ngay sau buổi họp. Cam kết một lần thì nhiều khả năng bạn sẽ thực hiện nó. Cam kết 2 lần thì bạn sẽ làm mọi cách để khiến công việc hoàn thành.

 

 
Tạo ra cơ bắp cho hành động
 
Nguyên nhân số 1 khiến người ta không đến phòng tập thể dục là gì? Không, chẳng phải thiếu thời gian đâu; mà là do nó khiến người ta đau. Đúng như vậy, nếu bạn luyện tập đúng cách. Cơn đau sau một buổi tập thật sự nặng là thứ mà phần lớn những thành viên thích trì hoãn biết rõ thế nên tiềm thức của họ sẽ tìm thứ nào khác để làm.
 
Bây giờ hãy nghĩ về tình huống này. Bạn vẫn tập tốt. Tuần nào cũng thế, bạn đều luyện tập chăm chỉ, ít nhất 4 trong 7 ngày. Đặc biệt hơn nữa là bạn đã làm được như thế trong suốt 2 năm, và thân hình bạn trông thật tuyệt. Tự hào không? Cũng đáng lắm chứ?
 
Ai biết lập cam kết và nhìn thấy những thứ nhỏ nhặt dần dẫn đến cái đích thành công sẽ nhanh chóng trở thành một người biết lập cam kết và nhìn thấy những thứ lớn lao cũng dẫn đến đích thành công.
 
Ra quyết định
 
Một trong những trở ngại mang tính kinh điển của những người hay chần chừ là phải đương đầu với việc ra quyết định.
 
Nghe quen chứ? Bạn vẫn ngụy trang nó dưới đủ loại lời bao biện kiểu như “Mình sẽ không hấp tấp trong chuyện này”, hoặc “Mình phải cân nhắc các mặt lợi hại trước đã”. Tất nhiên, trong khi đang thật sự làm thế (hoặc không), bạn sẽ lo lắng về những kết quả hay hậu quả, và cuối cùng bị buộc phải làm gì đó khiến bạn trở nên hoảng loạn.
 
Một trong những lý do khiến bạn trì hoãn việc ra quyết định là bởi bạn sợ mình đưa ra nó quá dễ dàng. “Không tốn công sức thì không thu lợi ích” mà. Thế nên bạn phải hành xác, phải vò đầu bứt tai để cuối cùng đi đến kết quả nào đó.
 
Vấn đề không phải việc ra quyết định khiến bạn lo lắng mà chính là việc ra quyết định sai. Thế nên thay vì tiến lên, bạn cứ mãi đắn đo về những hệ quả của từng lựa chọn đang cân nhắc. Cuối cùng, bạn làm tê liệt toàn bộ quá trình ra quyết định của mình và đau khổ vì đã lãng phí quá nhiều thời gian.

Theo Học làm giàu

related-post