Thương mại điện tử [1] đang là mô hình kinh doanh có mức tăng trưởng mạnh mẽ, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế hiện đại nhờ phát huy thế mạnh tiện lợi cho những người bận rộn. Hiện, một nửa dân số Việt Nam sử dụng internet và đang nằm trong top dẫn đầu về thời gian trực tuyến tại Đông Nam Á.
Nhưng trên thực tế, số đông người dân vẫn e ngại với những rủi ro trong mô hình mua sắm online này nên việc mở rộng thương mại điện tử vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, muốn phát triển thương mại điện tử cần phải có chính sách, công nghệ hiện đại và bảo mật an toàn để bảo vệ người tiêu dùng.
Trung bình một tuần, mỗi người bỏ ra gần 25 giờ để lên mạng, tức hơn 3 giờ/ngày. Gần 1/3 người sử dụng internet để mua sắm online với chi tiêu trung bình 160 USD/người/năm.
Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ sẽ đạt khoảng 20%/năm và đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, trên thực tế, thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ đang phát triển nhanh hơn với tốc độ tăng trưởng dự báo khoảng 25% trong năm 2017. Thời gian tới, thương mại điện tử sẽ trở thành kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại Việt Nam.
Theo đánh giá của Cục Quản lý cạnh tranh, mặc dù thương mại điện tử có tiềm năng lớn nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến thương mại điện tử chưa thể phát triển bền vững, đó là lòng tin của người tiêu dùng vào chất lượng hàng hóa, dịch vụ không giống như quảng cáo và tính bảo mật khi thanh toán qua mạng.
Hiện nay, thế giới đang phát triển mạnh mô hình thương mại điện tử, nhất là mô hình thương mại điện tử doanh nghiệp đến người tiêu dùng (B2C) sẽ phát triển mạnh với mức tăng trưởng 20%/năm, đạt khoảng 3.400 tỷ USD, trong đó thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm 30% (đạt khoảng 1.000 tỷ USD).
Tại Việt Nam, đến năm 2020, dự kiến có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online, đạt 350 USD/người. Theo đó, thương mại điện tử trên nền tảng di động và thương mại điện tử định vị sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo trên thế giới, chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ toàn cầu.
Để thương mại điện tử phát triển lành mạnh, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhiễu, Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng, cùng với việc tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và cơ chế, chính sách trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần nâng cao sự hiểu biết của người tiêu dùng về thương mại điện tử.
Hiện, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng các chương trình đánh giá mức độ uy tín của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn doanh nghiệp tin cậy để giao dịch; các mô hình về giải quyết rút gọn khiếu nại của người tiêu dùng; các công cụ nhằm phát hiện và ngăn chặn các loại hình lừa đảo trực tuyến.
Về phía các doanh nghiệp bán hàng qua mạng, bên cạnh việc tiếp cận công nghệ hiện đại cần nâng cao chất lượng và bảo đảm thương hiệu của doanh nghiệp để sản phẩm, dịch vụ tạo được sự tin tưởng của khách hàng đối với doanh nghiệp.
Theo Tin tức