Khi doanh nghiệp không coi trọng chữ tín

Nhiều làng nghề đang chết dần, nhiều DN đã phải đóng cửa bởi một lý do rất đơn giản: Không giữ được chữ tín, không giữ được thương hiệu của chính mình.

 

Mạnh ai nấy sống

 

Tại Báo cáo phân tích kinh tế Việt Nam tháng 5-2013, Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia dẫn số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ tính riêng trong tháng 5, số DN giải thể và tạm ngừng hoạt động là 3.590 DN. Lũy kế 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp giải thể phá sản đã lên đến 23.226 DN. Như vậy, 5 tháng song con số DN giải thể phá sản đã bằng một nửa các năm trước: Cả năm 2012 có 53.972 DN; cả năm năm 2011 có 54.198 DN trong diện này.

 

Những con số trên đang tiếp tục chỉ ra một thực tế đáng buồn, đó là thực trạng hoạt động của các DN tiếp tục có xu hướng xấu đi. Lý do được nhiều DN đưa ra, đó là vẫn do ảnh hưởng của chính sách lãi suất cho vay cao một thời gian dài. Tuy nhiên, nếu nhìn ở một khía cạnh khác, có thể thấy, lãi suất chỉ là một phần nguyên nhân.

 

Nhìn một cách khách quan hơn, dễ dàng nhận thấy một thực tế đang diễn ra ở môi trường kinh doanh Việt Nam hiện nay, đó là tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó”, mạnh ai nấy sống của không ít DN, nhất là đối với các DN làng nghề.

 

Về các làng nghề đã từng một thời nổi tiếng với các thương hiệu gắn bó lâu năm như Vạn Phúc, Bát Tràng (Hà Nội)… chắc sẽ ít người tìm được những sản phẩm của chính đôi tay các nghệ nhân làng nghề tạo nên, nếu có cũng là rất hiếm. Thời buổi hội nhập, hàng Trung Quốc giá rẻ ùa vào, và các DN kinh doanh tại làng nghề cũng không còn giữ được bản chất “mộc” của mình nữa. Hầu hết những làng nghề nổi tiếng đều đã và đang chết dần chết mòn, qua rồi thời kỳ hưng thịnh bởi cách làm ăn bắt đầu bằng chữ “tín” nhưng kết thúc lại gần như bất tín. Từ lâu, tại các làng nghề đã nổi lên tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, nhiều DN, hộ kinh doanh đã mượn thương hiệu của làng nghề để trà trộn vào trong đó những sản phẩm giá rẻ, có xuất xứ từ Trung Quốc.

 

Nhiều khách du lịch quốc tế đã từng thổ lộ rằng, giờ đây họ đã không còn hứng thú đến với làng lụa Vạn Phúc nữa bởi ở đó đang chạy theo thị trường, bán những sản phẩm giá rẻ nhưng lại gắn mác Vạn Phúc để lừa dối khách hàng. Tương tự trường hợp này cũng diễn ra ở hầu hết các làng nghề đã từng nổi tiếng khắp trong và ngoài nước bởi thương hiệu các sản phẩm truyền thống của mình như gốm Bát Tràng, đồng Phước Kiều, the La Khê…

 

Chính phương thức làm ăn này đang giết dần giết mòn chữ tín của các làng nghề truyền thống, và đó cũng là một phần lý do của sự sụp đổ hàng loạt các DN kinh doanh hiện nay. Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cái nguy hiểm nhất của các DN làng nghề hiện nay chính là việc đánh mất chữ tín. Và khi kinh doanh mất đi chữ tín cũng đồng nghĩa với việc “báo tử”.

 

Cạnh tranh không lành mạnh

 

Không chỉ dừng lại ở đó, các DN trong nước còn đang tự tìm cách loại bỏ nhau trên thương trường bằng cách đánh cắp, làm nhái thương hiệu của nhau. Theo Luật sư Lương Trung Cẩn, Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách xã hội Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, thực tế rất đáng buồn hiện nay của các DN kinh doanh trong làng nghề đó là việc sao chép mẫu mã, tranh chấp bản quyền giữa các DN, tình trạng này diễn ra ngày càng phức tạp, là nguyên nhân khiến môi trường kinh doanh khó có thể phát triển. Và bản thân việc tranh chấp này cũng khiến các DN loại bỏ lẫn nhau nhưng không phải bằng sự cạnh tranh về chất lượng sản phẩm mà bằng con đường không minh bạch, nói cách khác là sự tráo trở, đánh cắp. “Tình trạng này xảy ra là do kiểu làm ăn “chụp giật”, chạy theo lợi nhuận trước mắt mà không có định hướng lâu dài cho sự phát triển một cách bền vững” – Luật sư Cẩn nhận định.

 

Cũng bình luận về phương thức làm ăn của các DN Việt hiện nay, một chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản đã từng đưa ra một thực tế chua xót “nhiều nhà kinh doanh nước ngoài rất sợ cung cách làm ăn của DN Việt Nam khi họ thấy DN Việt khi xuất khẩu sản phẩm sang nước khác lại tìm cách loại bỏ chính DN đồng hương với mình. Đây là thực trạng của không chỉ đối với DN sản xuất, kinh doanh xuất khẩu thủy sản mà là thực tế đáng buồn trong cung cách làm ăn của nhiều DN trong nước hiện nay.

 

Và nếu vẫn tiếp tục làm ăn theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, “treo đầu dê bán thịt chó” thì chắc chắn, số DN “ngã ngựa” trên thương trường vẫn còn tăng theo thời gian, chứ chưa dừng lại ở cong số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố!

 

Theo Đại đoàn kết

Tin liên quan