Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ trong vòng 2 năm, từ 2013 – 2015, giao dịch thương mại điện tử [1] (TMĐT) theo loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) đã có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, từ mức 2 tỷ USD lên hơn 4,07 tỷ USD trong năm 2015, con số này cao hơn cả Indonesia.
Những con số nêu trên cho thấy, thị trường TMĐT ở Việt Nam đã và đang phát triển hết sức khả quan. Thanh toán điện tử (TTĐT) đã phục vụ tốt cho quá trình phát triển TMĐT ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, rào cản lớn nhất để TMĐT có thể phát triển mạnh hơn hiện nay lại chính là lòng tin của người tiêu dùng. Đặc biệt trong xu hướng hội nhập theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thương mại điện tử sẽ rất dễ trở thành mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh.
Theo bà Lê Thị Hà, Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), tiềm năng phát triển TMĐT ở Việt Nam rất lớn. Bởi lẽ, hạ tầng TTĐT đến 2015 không đã đáp ứng đủ để có thể yên tâm phát triển TMĐT trên môi trường mạng. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ hiện đại bao gồm internet và mạng viễn thông, số lượng truy cập internet ở Việt Nam đang đang ở vị trí TOP 10 châu Á, và TOP 20 các quốc gia trên thế giới.
Trong khi đó, tỷ lệ người truy cập internet [2] ở Việt Nam hiện nay đang chiếm khoảng 45% dân số, tương đương với khoảng 41 triệu người. Cùng với khoảng 127 triệu thuê bao di động trên 91 triệu dân đã cho thấy, xu hướng sau 2015 sẽ có bước khởi sắc của TMĐT Việt Nam trên môi trường mạng điện tử nhất là trên nền tảng di động.
“Người tiêu dùng sử dụng internet đã chi tiêu tới 160 USD/năm cho mua bán trực tuyến. Chỉ cần 62% người sử dụng internet có mua sắm trực tuyến tương đương với khoảng gần 30 triệu người sẵn sàng chi tiêu khoảng 160 USD/năm sẽ là một tiềm năng rất lớn cho thị trường TMĐT cần được khai thác” bà Hà nói.
Tuy nhiên, một xu hướng mới được bà Hà quan tâm, lưu ý hiện nay là các phương tiện truy cập internet đang dần thay đổi mạnh mẽ. Nếu như trước đây người tiêu dùng thường truy cập internet bằng máy tính để bàn thì ngày nay lại có xu hướng chuyển qua các thiết bị cầm tay.
“Khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, lượng truy cập internet nhiều nhất hiện nay là từ thiết bị di động với tỷ lệ 85%, trong khi năm 2015, tỷ lệ này chỉ chiếm 65%, tăng 21% trong vòng 1 năm. Đây là xu hướng mới mà các doanh nghiệp khi đầu tư vào TMĐT cần tính toán khi xây dựng nền tảng TMĐT thông qua thiết bị cụ thể để có ứng dụng bán hàng tốt nhất nhằm thu hút người tiêu dùng”, bà Hà lưu ý.
Sản phẩm không đúng so với những gì đã được quảng cáo vẫn là trở ngại lớn nhất khi người tiêu dùng quyết định mua sắm trực tuyến. (Ảnh minh họa)
Một thực tế đáng lưu ý khác được đại diện Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đưa ra là: Hình thức thanh toán đang là điểm yếu trong TMĐT ở Việt Nam hiện nay, khi đa số người tiêu dùng sử dụng hình thức thanh toán COD – thanh toán khi nhận hàng. Điều này đang là rào cản trong phát triển TMĐT ở Việt Nam.
Tuy nhiên nếu xem xét kĩ từ thực tế này có thể thấy, trở ngại phát sinh không phải do lỗi ở khâu thanh toán mà cái chính là ở lòng tin của NTD đối với những website [3] TMĐT. Có nghĩa là người tiêu dùng chưa có đủ độ tin cậy để thực hiện toàn bộ một giao dịch bắt đầu từ khâu giao nhận đến khâu thanh toán.
“Sản phẩm kém chất lượng, không đúng so với những gì đã được quảng cáo vẫn là trở ngại lớn nhất khi người tiêu dùng quyết định mua sắm trực tuyến. Với 73% người tiêu dùng quan tâm đến TMĐT khi được hỏi, chỉ có 61% cho rằng họ gặp trở ngại về giá, trong khi vẫn có tới 45% người tiêu dùng quan ngại về dịch vụ vận chuyển và giao nhận” bà Hà chỉ rõ.
Trước thực tế quá trình phát triển thị trường TMĐT, Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới đang đứng trước kỷ nguyên phát triển công nghệ vô cùng mạnh mẽ, trong đó có TMĐT. Cùng với đó ở Việt Nam hiện nay, TMĐT cũng đang là lĩnh vực được các doanh nghiệp và đông đảo người tiêu dùng quan tâm.
Do đó, trong giai đoạn 10 năm, từ 2001- 2010 được coi là thập kỷ ra đời và bước đầu phát triển của TMĐT Việt Nam. Trong giai đoạn này, cơ sở hạ tầng đã bước đầu được xây dựng, cơ bản phục vụ được các ứng dụng TMĐT. Trong giai đoạn tiếp sau, từ 2011 – 2015 khung pháp lý liên quan đến đến TMĐT đã được hoàn thiện theo hướng quy định rõ nghĩa vụ của các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường vai trò quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.
“TMĐT không chỉ tập trung ở các thành phố lớn mà đã mở rộng trên phạm vi cả nước. Nhiều mô hình kinh doanh TMĐT đã hình thành và được các doanh nghiệp vận hành, triển khai rộng rãi. Cùng với sự phát triển của TMĐT, TTĐT cũng đã và đang phát triển nhanh chóng, đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển TMĐT”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, năm 2015 và 2016 sẽ là năm bản lề đánh dấu bước phát triển mới của Việt Nam, với sự tham gia của Việt Nam vào nhiều FTA, trong đó có TPP sẽ hứa hẹn cho TMĐT và TTĐT ngày càng phát triển mạnh mẽ. Mặc dù vậy, TMĐT và TTĐT ở Việt Nam hiện nay vẫn còn là lĩnh vực khá mới tại Việt Nam, do đó nhiều ứng dụng của hình thức này vẫn còn ít nhiều hạn chế.
Theo VOV