Đưa doanh nghiệp “lên mây”: gần mà xa

Điện toán đám mây (cloud computing) không còn là khái niệm mới trên thị trường công nghệ. Phương thức cung cấp dịch vụ linh hoạt và có chi phí thấp được xem là mô hình tiềm năng cho việc ứng dụng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng tại Việt Nam điện toán đám mây vẫn chưa thực sự bùng nổ, vì sao?

Tại Việt Nam, nhiều tổ chức và doanh nghiệp đã ứng dụng nền tảng điện toán thông minh và triển khai các giải pháp liên quan đến dữ liệu khổng lồ. Từ năm 2009, những doanh nghiệp Việt đã bắt đầu ứng dụng điện toán mây vào giải pháp phân tích bảo mật, phát triển phần mềm quản trị, các ứng dụng di động như Lạc Việt, Bkav, FPT… Nhiều doanh nghiệp lớn về bán lẻ, viễn thông, ngân hàng đã triển khai các ứng dụng kinh doanh trên nền công nghệ “đám mây”.

Doanh nghiệp lớn bắt đầu

Ông Trần Hữu Dũng, giám đốc công nghệ thông tin công ty phát triển công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), cho biết ở khu vực chính phủ, từ năm 2009 QTSC đã đầu tư theo đơn đặt hàng của thành phố để tập trung nâng cấp hạ tầng trên nền điện toán mây, cung cấp các ứng dụng và tích hợp cổng thông tin toàn thành phố, tích hợp dữ liệu để tăng tính sẵn sàng và bảo đảm an toàn bảo mật. Bên cạnh đó còn cung ứng cho các khách hàng doanh nghiệp. “Việc đầu tư trung tâm dữ liệu dự phòng được đặt ra đồng thời với giải pháp đám mây như thế nào đảm bảo độ mềm dẻo, hệ thống phải luôn sẵn sàng và hoạt động liên tục”, ông Dũng cho biết.

Ngân hàng Phương Đông (OCB) trước yêu cầu hợp nhất dữ liệu từ ba đơn vị riêng lẻ và nhu cầu triển khai dịch vụ ngân hàng bán lẻ đã tập trung đầu tư cho nền tảng IT hiện đại. Nền tảng điện toán thông minh đã hỗ trợ OCB giải quyết sự gia tăng về dữ liệu cả về quy mô lẫn độ phức tạp sau sáp nhập, cũng là cơ sở hướng tới tận dụng các lợi ích của nền tảng điện toán đám mây để triển khai dịch vụ mới. Vinamilk cũng ứng dụng để giải quyết bài toán quản lý cho mạng lưới bán lẻ cho quy mô rộng khắp của mình…

Lạc Việt là công ty phát triển phần mềm quản trị doanh nghiệp và ứng dụng số trên hệ thống đám mây đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Hệ thống Lạc Việt đang đầu tư giúp xử lý nguồn dữ liệu khổng lồ, các xác suất tính toán thống kê lớn và khả năng thu thập dữ liệu với 0,5 triệu lượt truy cập hàng ngày vào các ứng dụng từ điển. Phòng kiểm nghiệm đám mây tự động (Cloud Lab) của Lạc Việt vừa phục vụ việc phát triển giải pháp của công ty vừa cung cấp dịch vụ cho khách hàng, cho phép họ trải nghiệm cách chia sẻ nguồn lực trên hệ thống hay cung cấp trung tâm dữ liệu kết nối đến doanh nghiệp.

Thách thức doanh nghiệp nhỏ

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định xu hướng điện toán mây tại Việt Nam vẫn chưa rõ nét khi phần lớn các doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa mặn mà ứng dụng. Theo TS Trần Viết Huân, giám đốc công nghệ IBM Vietnam, nếu vài năm trước điện toán mây bắt đầu với các trung tâm dữ liệu, tối ưu hoá hạ tầng thì hiện động cơ ứng dụng đã phong phú, rút ngắn thời gian triển khai, chuẩn hoá hạ tầng. Từ chỗ cung cấp nền tảng chuyển sang cho phép cung cấp ứng dụng đa dạng, khả năng điều phối linh hoạt và bảo đảm lưu thông dữ liệu, tuân thủ các chuẩn mở nhưng đảm bảo tính an toàn cao. Dù vậy dịch vụ này chưa thể bùng nổ tại Việt Nam, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ (SME) trong khi các khách hàng lớn trong các lĩnh vực quan trọng như viễn thông, ngân hàng lại có xu hướng triển khai mạnh mẽ.

Theo ông Hà Thân, tổng giám đốc Lạc Việt, cộng đồng SME tại Việt Nam lên đến 300.000 doanh nghiệp, hầu hết đã ứng dụng IT ở các mức độ khác nhau. Trong khi điện toán đám mây thâm nhập vào Việt Nam ngày càng tăng nhưng ở khối này còn rất thấp. Nếu các ứng dụng trong giai đoạn đầu còn khan hiếm thì hiện các loại hình dịch vụ đều đã sẵn sàng trên cả ba mặt: dữ liệu, bảo mật và hạ tầng. “Ban đầu tưởng họ lo ngại về an toàn thông tin nhưng đến nay có thể kết luận rằng mấu chốt là do không nắm được cụ thể các lợi ích và chưa thấy được lợi tức từ việc đầu tư có chi phí thấp nhưng lợi ích cao hơn nhiều so với mô hình truyền thống”.

Theo ông Nguyễn Chí Đức, tổng giám đốc Prism, đặc thù của khối SME là nhận thức về giá trị đầu tư cho IT chưa cao. Xu hướng đã đến, nhưng quan trọng là sự chuẩn bị của doanh nghiệp như thế nào phù hợp với bối cảnh kinh doanh đặc thù của mình. Ở góc độ nhà cung cấp, việc truyền thông cho khối SME vẫn còn thấp khiến việc nhận diện không rõ ràng.

Theo SGTT

Tin liên quan