- Gamma NT - https://www.congngheweb.vn -

Luật bản quyền của Youtube bỗng trở thành công cụ để tống tiền

Công cụ đòi bản quyền (copyright strike) là một công cụ rất cần thiết, dùng để tố cáo những video, kênh đang đi ăn cắp nội dung của người khác để vụ lợi. Nhưng công cụ này giờ đây lại trở thành một vũ khí để đòi tiền chuộc. Vào tuần trước, một kẻ ẩn danh đã đòi bản quyền sai, vu khống 2 kênh Youtube và đòi họ phải trả tiền. Hắn đòi 2 kênh này phải trả bằng ví Bitcoin (hiện vẫn không có gì) hoặc tài khoản PayPal (cũng đã bị xóa).

copyright-ransom-extortion

ObbyRaidz – chủ một kênh chuyên về game Minecraft trích dẫn lời kẻ lừa đảo: “Khi chúng tôi nhận đủ tiền thì sẽ lập tức hủy 2 lần đòi bản quyền trên kênh của bạn. Bạn chỉ có một thời gian ngắn để suy nghĩ”. Được biết, nếu một kênh phải nhận 3 lần đòi bản quyền thì có thể sẽ bị xóa video, không được nhận tiền AdSense, hoặc nghiêm trọng thì có thể bị xóa kênh hoàn toàn.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên bộ luật bản quyền kém hoàn hảo của Youtube gây khó dễ cho những người dùng trên nền tảng này. Vì bất cứ ai cũng có quyền được đòi bản quyền của những người đăng video, dù có đúng hay không, nên trong quá đã có rất nhiều vụ như vậy. Đôi lúc có những người đòi bản quyền đơn giản vì không thích các nội dung được đăng lên, chứ không liên quan tới vấn đề bản quyền.

copyright-ransom-extortion-1
Sau nhiều ngày khiếu nại, Youtube cũng đã chính thức lên tiếng

Trong video của mình, ObbyRaidz nói rằng do mình là một kênh Youtube nhỏ nên khó có thể liên lạc được với những nhân viên của hãng nhằm giải thích về tình trạng mình gặp phải. Chỉ sau khi vụ việc được đưa ra công chúng thì Youtube mới có thông báo chính thức. Những người liên lạc được thì cũng không dễ gì để được xóa những lần bị đánh dấu sai, quá trình này thậm chí có thể mất tới hàng tháng. Và trong lúc đó, họ mất rất nhiều quyền lợi và cả tiền bạc.

Khi được hỏi về vấn đề này, Youtube cũng nói rằng họ “luôn luôn lắng nghe để biết được tình hình, không dung túng cho những kẻ phá hoại bằng cách sử dụng sai luật bản quyền”. Nhưng vấn đề không nằm ở việc giải quyết những vụ đã vỡ lở, mà lại nằm ở việc luật bản quyền của Youtube còn nhiều lỗ hổng.

Trước khi nhấn nút đòi bản quyền, người dùng cũng được nhắc là “không sử dụng nó một cách tùy tiện”, song theo Annemarie Bridy – giáo viên ngành luật tại trường đại học Idaho – thì đây chỉ là cảnh báo suông “dành cho một Thế giới hoàn hảo, gồm những con người thành thật, không phù hợp với Internet hiện nay”.

Cũng theo Bridy, thì Youtube sẵn sàng làm hài lòng những công ty lớn, như Universal Pictures bằng cách cho họ thoải mái đòi bản quyền của những người dùng nhỏ, vì đây mới chính là nguồn thu nhập lớn, mặc dù họ sẵn sàng lạm dụng quyền của mình. Đôi lúc những video người dùng chỉ sử dụng nội dung của các hãng lớn một cách hợp lí, hợp pháp nhưng Youtube cũng thường đứng về phía các công ty lớn.

“Nếu như những người làm nội dung nhỏ bị che lấp bởi các công ty lớn, thì thật là tệ vì chính họ mới là những người làm nên một Youtube đáng xem”.

Theo Genk