Hiện nay có rất nhiều cách hiểu khác nhau về Thương mại điện tử. Nhiều người hiểu Thương mại điện tử là bán hàng trên mạng, trên Internet. Một số ý kiến khác lại cho rằng Thương mại điện tử là làm thương mại bằng điện tử. Những cách hiểu này đều đúng theo một góc độ nào đó nhưng chưa nói lên được phạm vi rộng lớn của Thương mại điện tử.
Hiểu một cách tổng quát nhất: Thương mại điện tử (E-Commerce) là hình thái hoạt động kinh doanh bằng các phương pháp điện tử; là việc trao đổi “thông tin” kinh doanh thông qua các phương tiện công nghệ điện tử.
Theo khái niệm này, Thương mại điện tử không chỉ là bán hàng trên mạng hay bán hàng trên Internet mà là hình thái hoạt động kinh doanh bằng các phương pháp điện tử. Hoạt động kinh doanh Thương mại điện tử bao gồm tất cả các hoạt động trong kinh doanh như: giao dịch, mua bán, thanh toán, đặt hàng, quảng cáo và kể cả giao hàng. Các phương pháp điện tử ở đây không chỉ có Internet mà bao gồm việc sử dụng các phương tiện công nghệ điện tử như điện thoại, máy FAX, truyền hình và mạng máy tính (trong đó có Internet). Thương mại điện tử cũng bao hàm cả việc trao đổi thông tin kinh doanh thông qua các phương tiện công nghệ điện tử. Thông tin ở đây không chỉ là những số liệu hay văn bản, tin tức mà nó gồm cả hình ảnh, âm thanh và phim video.
Đơn vị kinh doanh thương mại điện tử [1] có thể tiến hành một phần hay toàn bộ hoạt động thương mại bằng những phương tiện điện tử. Thương mại điện tử vẫn mang bản chất như các hoạt động thương mại truyền thống, tuy nhiên, thông qua các phương tiện điện tử mới, các hoạt động thương mại được thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn, giúp tiết kiệm chi phí và mở rộng không gian kinh doanh.
* Các phương tiện điện tử trong Thương mại điện tử:
– Điện thoại
– Máy FAX
– Truyền hình
– Hệ thống thanh toán điện tử
– Intranet / Extranet
– Mạng toàn cầu Internet / World Wide Web
* Các hình thức hoạt động Thương mại điện tử:
– Thư tín điện tử (E-mail)
– Thanh toán điện tử
– Trao đổi dữ liệu điện tử (EDI)
– Trao đổi số hoá các dung liệu
– Mua bán hàng hoá hữu hình
* Lợi ích của kinh doanh Thương mại điện tử:
– Quảng bá thông tin và tiếp thị cho thị trường toàn cầu với chi phí cực thấp: Nếu DN có một website của mình [2],DN có thể quảng cáo thông tin 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần, và lượng độc giả của DN là hàng trăm triệu người từ mọi nơi trên thế giới. Doanh nghiệp sẽ thu được hiệu quả quảng bá cao hơn nếu đầu tư chi phí, thời gian, nhân lực nhiều hơn cho việc marketing qua mạng.
– Dịch vụ tốt hơn cho khách hàng: Với thương mại điện tử, doanh nghiệp có thể cung cấp catalogue, brochure, thông tin, bảng báo giá cho đối tượng khách hàng một cách cực kỳ nhanh chóng, doanh nghiệp có thể tạo điều kiện cho khách hàng chọn mua hàng trực tiếp từ trên mạng…
– Tăng doanh thu: Với thương mại điện tử, đối tượng khách hàng của doanh nghiệp giờ đây không còn bị giới hạn về mặt địa lý. Doanh nghiệp không ngồi chờ khách hàng tự tìm đến mà tích cực và chủ động đi tìm khách hàng cho mình. Vì thế, số lượng khách hàng của doanh nghiệp sẽ tăng lên đáng kể dẫn đến tăng doanh thu.
– Giảm chi phí hoạt động: Với Thương mại điện tử, DN không phải tốn kém nhiều cho việc thuê cửa hàng, mặt bằng, đông đảo nhân viên phục vụ và cũng không cần phải đầu tư nhiều cho kho chứa… DN chỉ cần xây dựng một website bán hàng qua mạng và trưng bày thông tin, hình ảnh sản phẩm, do vậy sẽ tiết kiệm được chi phí in ấn brochure, catalogue và cả chi phí gửi bưu điện những ấn phẩm này.
– Lợi thế cạnh tranh: Kinh doanh trên mạng là “sân chơi” cho sự sáng tạo, nơi đây, doanh nhân tha hồ áp dụng những ý tưởng hay nhất, mới nhất về dịch vụ hỗ trợ, chiến lược tiếp thị… Khi các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp đều áp dụng Thương mại điện tử, thì phần thắng sẽ thuộc về ai sáng tạo hay nhất để tạo ra nét đặc trưng riêng (differentiation) cho doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ của mình để có thể thu hút và giữ được khách hàng.
Tham khảo thêm:
>> Tại sao doanh nghiệp bạn cần có website? [2]
>> Các tính năng cần có của một Website Doanh nghiệp [3]
>> Công nghệ sử dụng thiết kế Website [4]
Gamma NT (TH)
————————–