- Gamma NT - https://congngheweb.vn -

Thực hiện mạnh mẽ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm được Chính phủ đặt ra là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường, nhất là giải quyết hàng tồn kho, tạo động lực phát triển sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

 

tru6t8

 

Những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và thị trường được các cấp, ngành triển khai trong thời gian qua đã giúp nền kinh tế nước ta có phần khởi sắc, đặc biệt là sự phục hồi của doanh nghiệp, thị trường.

Trong đó, đáng ghi nhận là số doanh nghiệp đăng ký mới đã được cải thiện, ước tăng 7,8%; có khoảng 9.300 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động bắt đầu quay trở lại thị trường. Khối doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ có xu hướng thích ứng tốt hơn so với doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp hồi phục nhanh trong các lĩnh vực như: bán lẻ, hoạt động dịch vụ lao động việc làm, cho thuê máy móc thiết bị, giáo dục đào tạo, y tế…

Tuy nhiên, với mức tăng trưởng của ngành sản xuất và phân phối điện trong 6 tháng qua chỉ tăng 8,7%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy sức sản xuất còn nhiều hạn chế. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục quyết liệt thực hiện các Nghị quyết 01 và 02, thì cần tạo ra được những đột phá về thị trường tiêu thụ cả ở trong và ngoài nước. Đặc biệt là cần giảm những gánh nặng cho doanh nghiệp cả về mặt lãi suất, vốn – tài chính.

Có thể thấy, các giải pháp được Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ đưa ra cơ bản phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế nước ta hiện nay, nhưng vẫn còn một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và thị trường đến nay vẫn chưa được triển khai.

Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Trần Văn Huynh cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, cần đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc để thực hiện bằng được các giải pháp, nhất là giải pháp về tín dụng, tài chính – ngân hàng.

Cùng với đó, các chính sách thuế cần thực thi mạnh mẽ và quyết liệt hơn theo hướng hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 22% chỉ tác động với đơn vị kinh doanh có lãi, trong khi giảm thuế giá trị gia tăng sẽ có tác động rộng hơn lại chưa được thực hiện.

Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công thương Nguyễn Thanh Hòa cho biết, Bộ đã rà soát, đánh giá những giải pháp được thực hiện trong thời gian qua để đưa ra đề xuất phù hợp trong 6 tháng cuối năm. Qua rà soát cho thấy, để khơi thông thị trường tiêu thụ trong nước, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn tập trung cho chương trình xúc tiến thương mại, nhất là thị trường trong nước. Bởi lẽ, nguồn vốn cho hoạt động này còn ít, khó mang lại hiệu quả cao.

Để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, Bộ Công thương sẽ tập trung triển khai các giải pháp, các đề án trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020; đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu; tập trung khai thác tốt hơn các thị trường truyền thống; quan tâm phát triển các thị trường mới có nhiều tiềm năng ở khu vực Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Phi, Mỹ Latin…

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, kiên định thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đi đôi với đó là thúc đẩy sự phát triển kinh tế, duy trì đà tăng trưởng ở mức hợp lý, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013. Đồng thời, tiếp tục điều hành giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với diễn biến của lạm phát; tập trung tăng dư nợ tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ…

Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện mạnh mẽ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó, yêu cầu phải thực hiện tốt các chính sách về miễn, giảm, hoãn thuế; đồng thời cũng phải kiểm soát tốt việc thu đúng, thu đủ, chống tình trạng gian lận, trốn thuế; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn.

Theo daibieunhandan.vn