- Gamma NT - https://congngheweb.vn -

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ

 

yhreye45ry

5 tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: misa.com.vn

 

Theo các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ, trong tình hình kinh tế hiện nay, nghiêm trọng nhất là tổng cầu suy giảm, sức mua yếu. Trong khi đó, theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với hàng loạt thách thức cũ.

 

Các chi phí kinh doanh vẫn còn cao như chi phí lưu thông, vận chuyển, còn chi phí quảng cáo tiếp thị lại hạn chế… Đầu vào sản xuất thì quy mô nhỏ, giá thành cao, chất lượng không ổn định nên việc đảm bảo năng lực cạnh tranh khó khăn. Bên cạnh đó doanh nghiệp thiếu hệ thống logistic, sự liên kết giữa bán buôn, bán lẻ, sản xuất còn rời rạc…

Không những thế, bất chấp thị trường bị co hẹp, vẫn xuất hiện thêm những doanh nghiệp mới, trước đây không hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, nay chuyển sang, làm cho thị trường đã khó khăn càng khó khăn hơn và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để giành thị phần càng gay gắt hơn. Ngoài sự gia nhập thị trường do chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, thì ở một mức độ nào đó, sự chưa chặt chẽ trong công tác quy hoạch mạng lưới thương mại, cũng khiến cho một số doanh nghiệp trong ngành bán buôn, bán lẻ phải đối đầu trực tiếp với nhau.

 

Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng cho rằng, đối với ngành thương mại, vị trí đặc biệt quan trọng – thương mại hiện đại phải có quy hoạch, vùng có dân cư bao nhiêu thì số cửa hàng là bao nhiêu. Tuy nhiên, hiện giờ chúng ta không làm tốt công tác quy hoạch nên doanh nghiệp nước ngoài lớn cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam.

 

Xét ở khía cạnh người tiêu dùng, trên cùng một địa bàn, việc có nhiều doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ giúp họ có nhiều sự lựa chọn, được hưởng lợi. Nhưng nếu xét tổng thể toàn thị trường, thì điều này dường như đang gây ra lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp. Vì trong khi ở một số thành phố, đô thị các trung tâm thương mại mọc lên san sát, nhưng do kinh tế khó khăn, vắng người mua, thì ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa lại thiếu các cửa hàng, điểm bán hàng của doanh nghiệp.

 

Hầu như chưa có doanh nghiệp nước ngoài nào đầu tư mạng lưới bán lẻ về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, còn doanh nghiệp trong nước do thiếu nguồn lực, mới chỉ dừng ở các chuyến bán hàng lưu động. Vì vậy công tác quy hoạch mạng lưới thương mại rất cần được các địa phương quan tâm thực hiện một cách chặt chẽ, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội.

 

Ở thời điểm hiện tại, theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Võ Văn Quyền, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ là tổng cầu suy giảm, nhưng điều này chỉ mang tính tạm thời. Với mức tăng trưởng của nền kinh tế, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, thị trường bán buôn bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, đòi hỏi phải có chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp để phát triển mạng lưới thương mại, vì đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có đủ nguồn lực.

 

Bên cạnh đó, Vụ Thị trường Trong nước cũng đang xây dựng đề án phát triển thị trường trong nước, trong đó có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường gắn liền với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thông qua hỗ trợ đào tạo, truyền thông quảng bá sản phẩm…; dẫn dắt, tư vấn cho doanh nghiệp.

 

Nếu trước đây hỗ trợ doanh nghiệp bằng tổ chức những chuyến hàng về nông thôn, bán hàng lưu động để đo sức mua của thị trường, thì bây giờ phải giúp doanh nghiệp đứng vững được ở thị trường nông thôn, có điểm bán ổn định. Như vậy phải có chính sách phù hợp về đất đai, thuế… Những nội dung này đang được đặt ra, lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương để có chính sách đúng, đủ… cho phát triển thương mại trong nước.

 

Theo Tài chính