- Gamma NT - https://www.congngheweb.vn -

Ngăn chặn kinh doanh đa cấp qua mạng

Từ vụ lừa đảo rúng động

Vụ việc đình đám liên quan đến trang web muaban24.vn đã khép lại cuối năm 2012, nhưng cư dân giao dịch qua mạng vẫn chưa hết bàng hoàng. Theo đó, Công ty cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến Mb24 đã bán hơn 118.000 gian hàng điện tử trên muaban24.vn cho nhiều người tại hơn 30 tỉnh, thành phố. Thực tế, chỉ có khoảng 5% tổng số gian hàng có hàng để bán, còn lại chỉ được bán với mục đích kêu gọi, lôi kéo người tham gia đóng tiền để hưởng hoa hồng.
     

Web
Nghị định 52 được kỳ vọng sẽ giải quyết những thách thức đặt ra cho mô hình giao dịch qua mạng     

Cơ quan điều tra cũng xác định, công ty này thực chất là kinh doanh đa cấp, chứ không kinh doanh gian hàng điện tử. Muaban24 đã rất khéo lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh, với mức doanh thu tới 700 tỷ đồng/năm, một mức doanh thu cao nhất trong giới kinh doanh lĩnh vực này.

Sau vụ việc trên, các cơ quan chức năng mới choàng tỉnh và tức tốc có những động thái lấp kẽ hở về pháp lý đối với hình thức kinh doanh này. Đó là lý do chính để Nghị định 52/2013/NĐ-CP ra đời.

Nghị định 52 đã quy định rõ các hành vi bị cấm trong giao dịch thương mại điện tử. Và hành vi kinh doanh đa cấp qua mạng như mạng Muaban24 là nội dung đầu tiên bị cấm.

Cụ thể, phần 1, Điều 4, Nghị định nêu rõ, cấm tổ chức mạng lưới kinh doanh, tiếp thị cho dịch vụ thương mại điện tử, mà trong đó mỗi người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới; cấm lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động vốn trái phép từ các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác.

Băn khoăn về danh sách đen

Nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử cho rằng, với quy định tại Điều 67: “Bộ Công thương sẽ công bố các website thương mại điện tử vi phạm quy định của pháp luật và các website bị phản ánh có dấu hiệu vi phạm pháp luật”, Nghị định 52 có thể “giết chết” nhiều website đang hoạt động.

Theo các doanh nghiệp, chỉ cần “bị phản ánh có dấu hiệu vi phạm pháp luật” là lập tức, họ có thể nằm trong danh sách đen. Việc bị nêu tên trong danh sách đen của một website cấp nhà nước có thể ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển của các trang web thương mại điện tử.

Điều mà các doanh nghiệp lo lắng nhất là nghị định không giới hạn những người có quyền “phản ánh”. Điều này dẫn tới tình trạng các website thương mại điện tử có thể lợi dụng để cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Khối Thương mại điện tử của Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam (VC Corp) cho rằng, các điều khoản của Nghị định còn khá mập mờ, chưa rõ ràng. Điều kiện để đưa một website bị phản ánh vào danh sách đen là gì và căn cứ nào để để xác thực điều đó vẫn chưa được đề cập chi tiết.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) cho biết, việc tạo điều kiện để người dân phản ánh về các website thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật và công khai kết quả phản ánh là một trong các biện pháp nhằm phát huy quyền giám sát của xã hội với các doanh nghiệp thương mại điện tử, qua đó giúp doanh nghiệp tự kiểm điểm để hoàn thiện, khắc phục những thiếu sót và củng cố uy tín của mình trên thị trường.

“Một doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, có ý thức xây dựng hình ảnh và niềm tin thì sẽ không thể bị giết chết vì một vài phản ánh, mà ngược lại sẽ tự chứng tỏ được mình thông qua việc hợp tác với cơ quan nhà nước để làm rõ về những phản ánh không chính xác hay tự hoàn thiện để tiếp tục phát triển”, ông Linh nói.

Ông Linh cũng đặc biệt lưu ý, không phải cứ có phản ánh là Bộ Công thương đưa ngay doanh nghiệp vào danh sách website bị phản ánh. Khoản 2, Điều 67, Nghị định 52 đã ghi rõ: “Bộ Công thương quy định chi tiết về cơ chế tiếp nhận, công bố thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về các website thương mại điện tử quy định tại Khoản 1, Điều này”. Hơn nữa, các doanh nghiệp bị phản ánh sẽ có cơ hội để giải trình về những ý kiến phản ánh này. Việc giải trình cũng chỉ được yêu cầu khi cơ quan quản lý tập hợp đủ trên 5 ý kiến phản ánh khác nhau đối với cùng một website.

Trở ngại về nhận thức

Giới chuyên môn, người dân và doanh nghiệp kỳ vọng rằng, Nghị định 52 có hiệu lực sẽ giải quyết được những thách thức đặt ra cho mô hình giao dịch qua mạng. Tuy nhiên, ông Trần Hữu Linh khẳng định, việc ban hành các quy định pháp luật không phải là “cây đũa thần” có thể giải quyết được mọi vấn đề.

Để giải quyết được các thách thức trong giao dịch qua mạng, theo ông Linh, ngoài các quy định pháp luật, cần phải phát triển hạ tầng kỹ thuật, thanh toán điện tử, thanh toán trực tuyến, logistic… Tuy nhiên, thách thức lớn nhất lại nằm ở lòng tin của người dân và doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát tình hình kinh doanh của 76 sàn giao dịch thương mại điện tử đã đăng ký đến thời điểm tháng 6/2012 do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tiến hành trong năm 2012, cho thấy, so với thách thức về nhân lực, pháp lý, vận chuyển, thanh toán, thì yếu tố an toàn thông tin và nhận thức xã hội vẫn được doanh nghiệp cho là trở ngại lớn nhất đối với hoạt động ứng dụng thương mại điện tử.

Ông Linh cho rằng, nhận thức và cách hành xử của chính những người tham gia giao dịch là các nhân tố trực tiếp tạo nên môi trường cho thương mại điện tử. Việc thực thi các biện pháp chế tài, xử phạt chỉ có thể là một trong những giải pháp để răn đe người có ý định thực hiện các hành vi kinh doanh không lành mạnh.

Nhưng để xây dựng lòng tin của người tiêu dùng vào một mô hình kinh doanh hay một đơn vị kinh doanh cụ thể, thì doanh nghiệp cần phải làm nhiều hơn mức chuẩn mực chung mà pháp luật quy định. Điều này đòi hỏi nỗ lực liên tục và lâu dài từ phía doanh nghiệp nhằm xây dựng uy tín, thương hiệu.

“Chính thương mại điện tử là môi trường thuận lợi cho việc liên kết sức mạnh của người tiêu dùng, nhằm sàng lọc những hành vi kinh doanh không lành mạnh”, ông Linh khẳng định.

Theo ĐTCK *