- Gamma NT - https://www.congngheweb.vn -

Lúng túng như… khủng hoảng

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đăng cai một hội thảo về chủ đề “nghĩ lại chính sách kinh tế”, với sự tham gia chủ trì của 4 chuyên gia kinh tế, bao gồm kinh tế trưởng của IMF. Một trong số 3 người còn lại là nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel, George Akerlof của Đại học California. Ông này đã đưa ra sự so sánh sinh động về trạng thái không chắc chắn mà giới kinh tế học hiện đang đối diện: “Nó giống như một chú mèo đang ở trên một cành cây cao vậy – con mèo trong trường hợp này là cuộc khủng hoảng hiện tại. Cảm giác của tôi là: ‘Lạy Chúa, con mèo sẽ rơi mất, nhưng tôi không biết phải làm gì’”.

Một nhà kinh tế khác là David Romer, cũng của Đại học California, bám theo hình ảnh trên, tiếp lời: “Con mèo đã ở trên cành cây đó được 5 năm. Giờ là lúc đưa nó xuống và đảm bảo rằng, nó sẽ không leo trở lại đó”.Tuy nhiên, theo Joseph

Stiglitz, một nhà kinh tế cũng từng đạt giải Nobel, điều khiến giới kinh tế học băn khoăn là: “Không có lý thuyết kinh tế nào giải thích được tại sao… con mèo vẫn ở trên cây”.

Thế giới đã thay đổi

Thực tế thì chả có con mèo nào cả. Nhưng sự so sánh hình ảnh nói trên mang lại một cảm nhận về mức độ bất ổn mà các nhà kinh tế hàng đầu đang đau đáu tìm lời giải.

Thế giới giờ rất khác so với cái vẻ bề ngoài có vẻ yên ổn trước khủng hoảng. Những đặc trưng cơ bản của thế giới đó là gì? Đó là công cụ chính sách kinh tế chính nằm trong tay các ngân hàng trung ương – họ thiết lập lãi suất, tăng khi muốn giữ lạm phát thấp và giảm khi kinh tế yếu; chính sách tài khóa không còn được nhìn thấy như là công cụ thường xuyên để giữ cho nền kinh tế ổn định; và các quy định tài chính được áp dụng tương đối hời hợt.

Thứ mà chúng ta có sau những đặc trưng đó là một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất và suy thoái kinh tế sâu nhất trong một phạm vi rộng lớn hơn kể từ cuộc Đại suy thoái hồi những năm 1930.

Đối với Joseph Stiglitz, cuộc khủng hoảng là bằng chứng cho quan điểm của ông rằng “các nền kinh tế không có sự ổn định cần thiết hay không biết tự sửa chữa”. Lẽ ra, các cơ quan nhà nước phải có một vai trò quan trọng trong việc làm điều gì đó để ổn định hay sửa chữa nền kinh tế. Lẽ ra các quy định về tài chính, đặc biệt là những quy định nhằm giúp ổn định cả một hệ thống tài chính, thay vì chỉ các ngân hàng, cần được áp dụng một cách rộng rãi và thường xuyên.

Đã có những quy định tài chính được áp dụng, nhưng không đủ. Một ví dụ là giới hạn về quy mô của các khoản vay theo một tỷ lệ nhất định với giá tài sản, như trong trường hợp cho vay mua nhà ở. Nó nghe có vẻ là một ý tưởng hay, nhưng những chính sách kiểu như vậy và ảnh hưởng của nó là không thực sự được thấu hiểu.

David Romer, một trong những thành viên chủ trì cuộc hội thảo, không nghĩ rằng, ông đã thấy bất kỳ thứ gì đủ lớn để tạo ra một hệ thống tài chính thực sự khỏe mạnh.

Còn về chính sách tiền tệ, trước khủng hoảng, công cụ chính là lãi suất, nhưng công cụ này, từ khi có khủng hoảng, đã được mở rộng sang biện pháp nới lỏng định lượng. Chính sách này được ủng hộ nhưng không phải là phổ biến.

Lúng túng

Allan Meltzer của Đại học Carnegie Mellon là một trong những người nghĩ rằng, quy mô của các gói kích thích là quá lớn, nhưng tác dụng thì chẳng được bao nhiêu. Bên cạnh đó, mục tiêu của chính sách tiền tệ cũng là một chủ đề gây tranh cãi.

Quan điểm mục tiêu lạm phát nhận được sự chấp thuận rộng rãi trước khủng hoảng, nay thì người ta lại nghi ngờ nó, nhưng không rõ có nên thay đổi hay không.

David Romer cho rằng, cách tiếp cận đó dường như là tốt trong vòng 15 đến 20 năm trước khủng hoảng, nhưng sau đó nó tỏ ra bất lực trong việc tạo ra sức cầu đủ lớn cho nền kinh tế. Nhưng Stefan Gerlach của Đại học Goethe lại cho rằng “khuôn khổ của chính sách tiền tệ không thể làm gì được trong một sự kiện chỉ xảy ra một lần trong một thế kỷ”.

Không có ý kiến nào hăng hái chỉ trích việc tăng nhanh nợ chính phủ của các nước giàu trong vài năm qua, nhưng rất ít người đồng ý với quan điểm của Allan Meltzer rằng: “Nếu chúng ta muốn ổn định tài chính, ổn định kinh tế và những thứ tốt đẹp khác thì đừng bắt đầu bằng việc hạn chế thâm hụt ngân sách”.

Có rất nhiều ý tưởng đưa ra để làm sao có được sự chắc chắn, nhưng đây là cách mà Kinh tế trưởng của IMF, ông Olivier Blanchard kết thúc buổi hội thảo: “Chúng ta rốt cuộc không có cảm nhận về đích đến cuối cùng…, nơi mà chúng ta kết thúc, tôi thực sự không có nhiều ý niệm”.

 
Theo ĐTCK *