- Gamma NT - https://www.congngheweb.vn -

Kích lạm phát hợp lý để cứu doanh nghiệp

 

255

Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp là do cả cầu đầu tư và tiêu dùng của nền kinh tế rất yếu

 

Từ CPI giảm đến DN “lăn ra chết”

 

So với tháng trước, CPI tháng 5 của TP. HCM giảm 0,16% và của Hà Nội giảm khoảng 0,22%. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp CPI ở 2 thành phố lớn đều giảm. Tính chung cả nước, CPI tháng 5 giảm 0,06%.

 

CPI giảm ở mức hợp lý sẽ có đóng góp tích cực vào ổn định vĩ mô, cũng như tạo môi trường cho DN phát triển. Tuy nhiên, với diễn biến CPI từ đầu năm đến nay, theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, CPI đang quá thấp. Khi nhìn nhận về tình trạng này, đừng lầm tưởng hoàn toàn là thành tích của nỗ lực kiềm chế lạm phát, mà là do sức cầu của nền kinh tế đang bị cạn kiệt. Hệ quả là cả 3 lực lượng luôn có đóng góp chính vào tăng trưởng của kinh tế gồm: tín dụng, đầu tư từ ngân sách và DN, từ đầu năm đến nay đều quá yếu.

 

“Theo ước tính, số DN giải thể bình quân theo quý trong những tháng đầu năm 2013 cao hơn đáng kể so với cả năm của 20 năm trước đây. Không chỉ số lượng DN ‘lăn ra chết’ đang tăng, mà đáng báo động hơn là tốc độ ‘chết’ cũng nhanh hơn…”, ông Thiên cảnh báo, đồng thời phân tích, từ năm 2007 đến nay, chưa bao giờ nền kinh tế đối mặt với tình trạng suy giảm kéo dài như hiện tại. Nền kinh tế đang bị kiệt sức, thể hiện qua số lượng DN đóng cửa trong quý I/2013 lên đến 15.300 DN. Lần đầu tiên con số này “vươn lên” gần ngang hàng với số lượng DN đăng ký mới là 15.700 DN.

 

Thực ra, tình trạng lạm phát có dấu hiệu chuyển sang biểu hiện giảm phát, đã được các chuyên gia cảnh báo kể từ khi công bố các con số vĩ mô của quý I/2013. Khi đó, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển đánh giá, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp trong 3 tháng đầu năm không phải do hiệu quả của chính sách tiền tệ, mà do cả cầu đầu tư và tiêu dùng của nền kinh tế rất yếu. Cầu yếu cùng với nợ xấu làm tăng trưởng tín dụng quá thấp, dẫn đến đầu tư của khu vực DN thấp.

 

Kích lạm phát tăng hợp lý

 

Với diễn biến lạm phát thấp tính đến thời điểm này, theo nhiều chuyên gia kinh tế, đã đủ cơ sở để thực thi nhanh hơn các giải pháp để kích lạm phát tăng ở mức hợp lý, nhằm giúp nền kinh tế và DN hồi sinh. Tính chất “không thể chậm trễ” thêm trong hỗ trợ DN, hiện không chỉ là mối bận tâm số một của DN, các chuyên gia, mà còn lan truyền tới Quốc hội khi Kỳ họp thứ Năm vừa bắt đầu được ít ngày.

 

Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM Trần Du Lịch nhìn nhận, liều lượng chính sách kiềm chế lạm phát đã có phần thực hiện “quá tay”. Với sự suy giảm tổng cầu của nền kinh tế như hiện nay, thì khả năng lạm phát cao trở lại là không thể. Do vậy, về chính sách tài khóa, có thể xem lại kế hoạch bội chi ngân sách, để nới lỏng chính sách này cho phù hợp với tình hình hiện nay. Theo đó, nên tính toán tăng lượng trái phiếu phát hành, để ít nhất là dành trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản cho DN, đồng thời tạo hiệu ứng luân chuyển vốn trong nền kinh tế. Đây là giải pháp nhằm phối hợp với chính sách nới lỏng tiền tệ, để tăng tổng cầu của nền kinh tế.

 

Để huy động chính sách tiền tệ tham gia vào giải cứu DN, tăng cầu cho nền kinh tế, ông Thiên cho rằng, cần tập trung giải quyết nhanh nợ xấu, để DN tiếp cận được vốn. Cùng với đó, cần áp dụng một giải pháp tình thế là thay vì áp trần lãi suất huy động như hiện tại, cần áp đặt trần lãi suất cho vay, nhằm giảm nhanh mặt bằng lãi suất hơn. Giải pháp này có thể khiến ngân hàng “đau” trong trước mắt, nhưng lại hữu ích trong cứu DN, cũng như cải thiện kết quả kinh doanh của chính ngân hàng trong dài hạn.

 

Khi đưa ra đề nghị về hướng kích lạm phát, ông Tuyển đề xuất, nên áp dụng đồng bộ các giải pháp để đưa lạm phát tăng ở mức khoảng 8% trong năm nay, thay vì 6 – 6,5% như kế hoạch. Nếu lạm phát không tăng được đến mức này, thì không chỉ khó đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay, mà còn khiến DN khó hồi sinh.

 

Theo Đầu tư chứng khoán