- Gamma NT - https://www.congngheweb.vn -

Giải pháp dòng tiền cho DN vừa và nhỏ

Lãi suất cho vay vẫn cao

Theo ông Trương Đình Hòa, Giám đốc Công ty May mặc tại quận 4 (TP. HCM), việc tiếp cận vốn vay ngân hàng của DN hiện rất khó khăn. Các ngân hàng luôn “chọn mặt gửi tiền”, đòi hỏi DN phải đáp ứng được nhiều thủ tục hồ sơ, do vậy, thời gian thẩm định kéo dài, trong khi đó, nhu cầu về vốn của DN rất cấp thiết. Mặt khác, theo ông Hòa, mức lãi suất thực vay thường không giống với lãi suất công bố của các ngân hàng.

Có ngân hàng công bố mức lãi suất cho vay với DN vừa và nhỏ là 7,5%/năm, nhưng khi thẩm định xong hồ sơ vay vốn của chúng tôi lại đưa ra mức lãi suất tới 12%/năm”, ông Hòa chia sẻ.

 

fnhfj

Dòng tiền ròng từ hoạt động kinh doanh trong các DN nhóm ngành công nghiệp và thương mại đang khá tốt

 

Cùng quan điểm với ông Trương Đình Hòa, đại diện CTCP May Quốc tế Thắng Lợi cho rằng, hiện các DN lớn khá dễ dàng được các ngân hàng cung ứng nguồn vốn vay, với lãi suất tương đối thấp, từ 8 -10%/năm. Trong khi đó, với các DN vừa và nhỏ, đối tượng đang gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn, có nguy cơ phá sản thì lại rất khó tiếp cận nguồn vốn vay, do các ngân hàng e ngại nợ xấu, còn nếu được vay DN lại phải chịu mức lãi suất khá cao, từ 14 -17%/năm.

Hiệp hội DN TP. HCM cho rằng, lãi suất cho vay cần được điều chỉnh giảm thêm, phổ biến ở mức 9 -10%/năm, DN vừa và nhỏ mới có cơ hội phục hồi. Bởi lẽ, theo thống kê của Hiệp hội, hiện có đến 60% DN cần được hỗ trợ về vốn, lãi suất và chính sách thuế thì mới có cơ hội để tồn tại và phục hồi dần.
   

DN cần nâng cao quản trị dòng tiền

Trên thực tế, trong thời gian qua, các ngân hàng liên tục đưa ra nhiều gói vốn ưu đãi lãi suất hỗ trợ DN, trong đó có DN vừa và nhỏ, nhưng tiến độ giải ngân vẫn chậm. Ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc SeABank cho biết, Ngân hàng triển khai các gói tài trợ vốn dành riêng cho đối tượng DN vừa và nhỏ, điển hình là gói tài trợ vốn lưu động ưu đãi 2.000 tỷ đồng kéo dài đến hết năm 2013, với lãi suất cho vay thấp nhất chỉ ở mức 9,9%/năm, nhưng đến nay mới giải ngân được 200 tỷ đồng. Chia sẻ về thủ tục cho vay, ông Khánh cho rằng, DN nên mạnh dạn tái cơ cấu, nếu không thể tái cơ cấu được thì cũng nên chọn giải pháp trở thành DN mới, không nên để vốn vay và vốn tự có mất đi, phải tạo lịch sử “sạch” cho DN. Như vậy, ngân hàng mới dám cho vay và hồ sơ được xét duyệt nhanh chóng.

Vì thế, để kỳ vọng lãi suất cho vay giảm thêm trong thời gian tới là rất khó, cho dù trần lãi suất đầu vào vừa được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm thêm 0,5%/năm, về mức 7%/năm. Để có thể vượt qua khó khăn chung của nền kinh tế, DN cần có giải pháp quản lý dòng tiền hiệu quả để tránh phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay, tránh áp lực lãi suất cao.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, để quản trị tốt dòng tiền, việc sử dụng vốn của DN cần đảm bảo tính phát triển bền vững, an toàn về cấu trúc tài chính, không tìm lợi nhuận cao trong ngắn hạn nhưng làm giảm nguồn lực phát triển của DN. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản phải đảm bảo không thấp hơn 50%, đồng thời phải bảo đảm trạng thái dòng tiền dương trong mọi kỳ kinh doanh. Các DN cũng phải duy trì lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lớn hơn nhu cầu chi thường xuyên 2 tháng. Dòng tiền ròng từ hoạt động kinh doanh hàng năm phải bằng tối thiểu 20% so với nợ dài hạn tài chính và không đầu tư quá 30% vốn chủ sở hữu của công ty vào dự án mới.

Nhận định về các nhóm ngành, ông  Hiển cho rằng, dòng tiền ròng từ hoạt động kinh doanh ở các DN trong nhóm ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ năm nay là khá tốt, trong khi ở nhóm ngành xây dựng, bất động sản và thuỷ sản lại suy giảm trong các năm gần đây, khiến cho các DN hoạt động trong nhóm ngành này đang gặp nhiều khó khăn khi vốn vay ngân hàng bị thu hẹp, lãi suất tăng cao.

Theo TS. Trần Du Lịch, tình hình kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến khá phức tạp. Dự báo mới nhất của các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, kinh tế năm 2013 còn thất thường, tác động bất lợi đối với những nền kinh tế có độ mở lớn như nền kinh tế Việt Nam. Vì thế, ông Lịch cho rằng, cần có thêm nhiều giải pháp để hỗ trợ DN; trong đó, có chính sách giảm thuế, hỗ trợ tín dụng…

“Nền kinh tế Việt Nam trong năm nay đan xen thách thức và cơ hội ở cả các yếu tố kinh tế vĩ mô và vi mô. Nhưng các nút thắt như sức mua giảm, tồn kho, nợ xấu tăng, lãi suất cao, DN thiếu vốn… sẽ dần được gỡ bỏ so với  năm 2012. Đây cũng là thời kỳ mở ra cơ hội cho những DN nắm bắt cơ hội để tái cơ cấu và phát triển bển vững”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.                                

Theo ĐTCK