- Gamma NT - https://www.congngheweb.vn -

Cứu doanh nghiệp: Chắc chắn có lối ra!

Khó khăn về sản xuất, thiếu vốn, lãi suất cao, hàng tồn kho và doanh nghiệp (DN) đang mất lòng tin vào các chính sách kinh tế… là những câu chuyện mà các doanh nhân nêu ra tại buổi tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM hôm qua.

DN ngành nào cũng khó

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết tình hình sức khỏe của DN quá nguy cấp. Vì thế, Chính phủ ban hành ra chính sách kinh tế cần triển khai quyết liệt và có độ ổn định cao. “Giảm thuế mà chỉ ba, bốn tháng thì không giải quyết được gì. DN chưa bán được hàng tồn kho thì đã hết thời hạn miễn, giảm. Muốn giải quyết hàng tồn kho thì miễn hẳn VAT mấy năm đi chứ mấy tháng như hiện nay cũng như không” – ông nói.

Ông Nguyễn Phụng Kiều, Giám đốc Công ty CP Địa ốc Sài Gòn – Gia Định, nói Nghị quyết 02 ra đời giúp giảm hàng tồn kho bất động sản nhưng vẫn không triển khai được: “Chúng tôi có dự án căn hộ giá thấp cho người nghèo nhưng đang vướng vì người nghèo không vay vốn ưu đãi được, Ngân hàng Nhà nước chưa định nghĩa được thế nào là thu nhập thấp, lại bắt chứng minh thu nhập… Thử hỏi người làm nghề xe ôm, bán sạp hàng ngoài chợ làm sao chứng minh nguồn thu nhập trả nợ để vay mua nhà?”.

 

dr54u

Các cử tri là doanh nhân chuyển những lời kêu cứu của từng ngành đến với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Thủ tục càng nhiều thì càng vướng, càng làm DN khó khăn. Như thủ tục xây dựng nhà đất hiện quá nhiêu khê với bảy bước, kéo dài 6-7 năm. Tôi đã kiến nghị chỉ ba bước, mất hai năm mà chưa được” – ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội TP.HCM, nói thêm.

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, ngay cả những ngành lâu nay “kín tiếng” nhất giờ cũng phải lên tiếng kêu cứu.

Chúng tôi cực quá, làm không có lời, không có chính sách hỗ trợ, dù cơ khí là nền tảng của cả ngành công nghiệp. Thực tế không có một quỹ đầu tư nào hay nhà đầu tư nào nhảy vào cơ khí” – ông Đỗ Phước Tống, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM, nói thẳng.

Còn theo ông Trần Việt Anh, đại diện Hội Cao su nhựa TP.HCM, ngành cao su – nhựa chưa bao giờ cần phải cứu nhưng giờ lại rất cần, nhất là với hạt nhựa PV. Nếu sắp tới áp dụng 5% thuế nhập khẩu hạt nhựa thì mỗi ký sẽ phải tốn thêm 5 đồng tiền thuế. Thuế này lợi bất cập hại vì hiện nhà máy Dung Quất chỉ sản xuất, cung ứng được 10% nhu cầu trong nước, ta phải nhập đến 90%, giá trị hàng tỉ USD.

Bà Lê Thị Giàu, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Bình Tây, cho biết đã đến lúc nông nghiệp phải kêu cứu vì nông dân vẫn không thể làm giàu trên mảnh đất của mình: “Lãi suất cao là không thể chấp nhận. Hiện tại DN của tôi có hơn 100 công nhân, không thể có dư để đầu tư cho nông nghiệp nữa mà chỉ đủ lãi để duy trì sản xuất”.

Nhà nước sẽ giúp mở rộng thị trường

Phát biểu sau cùng tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang động viên DN cần bình tĩnh vượt khó, tự cứu mình trước.

Riêng về nông nghiệp, ông nói: “Tiềm năng nông nghiệp Việt Nam lớn lắm! Tôi vừa đi ĐBSCL về thấy tiềm năng nông nghiệp nhiệt đới của nước ta còn rất lớn, đặc biệt là thủy sản nước ngọt. Cái chính lúc này là làm sao mở mang thị trường cho nông dân. Trung ương sẽ hết sức chú ý. Ngoài thị trường truyền thống, chúng ta có thể mở rộng thị trường Nga và Belarus, EU, Hàn Quốc… Phải mở rộng tối đa thị trường để phát triển kinh tế”.

Mặt khác, ông đề nghị “là những người trong cuộc, các DN cần hỗ trợ, đoàn kết nhau vượt khó khăn. Nhất là các hiệp hội cần tăng cường liên kết, đoàn kết cao trong cộng đồng DN để hỗ trợ lẫn nhau, như sản phẩm của DN này là đầu vào của DN khác như chúng ta đã nói chẳng hạn”.

Chủ tịch cũng nhấn mạnh ngân hàng thương mại cũng phải vào cuộc vì DN chết thì ngân hàng cũng chết. Nếu tự mỗi DN, ngân hàng, hiệp hội đều làm ráo riết, chắc chắn sẽ có lối ra.

Đường lối quản lý, kinh doanh vàng có vấn đề

Sau một năm triển khai Nghị định 24 quản lý chặt về thị trường vàng, chúng tôi lo lắng rồi đây ngành mỹ nghệ vàng bạc có còn tồn tại. Giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới 3-5 triệu đồng/lượng, vậy mà vừa rồi Bộ Tài chính còn dự thảo tăng thuế xuất khẩu vàng trang sức, vàng mỹ nghệ từ 0% lên mức 1%-2%. Trong khi với thuế suất 0% DN không xuất được vàng, vì giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới thì còn tăng thuế làm gì?

Về mua bán vàng miếng, NHNN chỉ cấp phép kinh doanh cho 38 ngân hàng và DN. Thực tế mạng lưới kinh doanh vàng miếng ngân hàng không phủ được khắp nước, nhiều nơi làm việc giờ hành chính và biên độ giá vàng chưa hợp lý để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ngược lại, các tiệm vàng tư nhân đáp ứng nhu cầu này nhưng không được mua bán, phải kinh doanh lén lút, bất chấp chính sách. Tôi thấy đường lối quản lý kinh doanh vàng ở tầm vĩ mô có vấn đề, không ổn định, không đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

 

Mặt khác, theo Nghị định 24, ngày 25-5-2013 là thời hạn cuối để các hộ kinh doanh cá thể sắp xếp lại hoạt động kinh doanh vàng mỹ nghệ, trang sức hoặc chuyển đổi. Thời hạn đã qua mà chỉ có 40 DN trên tổng số 3.000 DN được cấp phép. Việc buộc DN vàng mỹ nghệ phải đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh lại là không cần thiết vì Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các DN rồi.

Ông NGUYỄN VĂN DƯNG,
 Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP.HCM

 

Theo Pháp luật