Tốc độ thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật số là do lượng người tiêu dùng kết nối internet gia tăng, sự phát triển của kỹ thuật ĐTDĐ, đặc biệt là ĐTDĐ băng thông rộng. Một sự thay đổi quan trọng khác là sự tích hợp nội dung toàn cầu, như nền tảng mạng xã hội, các video, âm nhạc và tin tức từ bên ngoài trực tiếp tác động đến người dùng của các thương hiệu.
Quan trọng hơn là sự chấp nhận quảng cáo [1] kỹ thuật số ngày càng gia tăng. Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số tăng trưởng mạnh mẽ và các nhà quảng cáo ngày càng công nhận tính hợp lệ, thuyết phục của các quảng cáo trên các phương tiện truyền thông.
Tại hội thảo “Luận bàn về hiệu quả tiếp thị số tại Việt Nam” được tổ chức tại TP.HCM gần đây, ông Nguyễn Trung Thẳng – Chủ tịch Masso Group cho rằng, các phương tiện số và truyền thông, quảng cáo kỹ thuật số sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2016 và những năm tiếp theo, đặc biệt là marketing qua DTDĐ, video [2] và mạng xã hội.
Quảng cáo qua ĐTDĐ sẽ tăng trưởng cao, đặc biệt với sự hỗ trợ của smartphone và mạng 4G đang được triển khai trong năm 2016. Mô hình LOSOMO (Local, Social, Mobile) được Masso Consulting dự báo bùng nổ tại Việt Nam từ hai năm trước sẽ tiếp tục phát triển mạnh, đặc biệt là trào lưu “selfie” (tự chụp ảnh) của người tiêu dùng Việt Nam và sự yêu thích “photo post” (đưa ảnh lên trang cá nhân) của các bạn trẻ trên mạng xã hội.
Theo đó, quảng cáo số sẽ nhanh chóng bắt kịp quảng cáo trên truyền hình, đặc biệt là video marketing [3] trên YouTube và các mạng xã hội khác. Trong đó, Facebook video đang được ưa chuộng tại Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn nữa các chiến dịch marketing lấy video làm trọng tâm.
Cùng với quảng cáo số, tiếp thị nội dung (content marketing) sẽ phát triển đến đỉnh điểm, tuy nhiên, sự bão hòa và quá tải của khối lượng nội dung sẽ đòi hỏi các thương hiệu tìm kiếm chiến lược nội dung sáng tạo – yếu tố mang tính quyết định trong việc cạnh tranh số lượng người xem (view) của cư dân mạng.
Theo các chuyên gia, trong thời đại thông tin số như hiện nay, người tiêu dùng rất dễ bị phân tán bởi quá nhiều thông tin. Vì vậy, các doanh nghiệp (DN) đang sử dụng công cụ truyền thông này nên nhớ: Một thông điệp truyền thông súc tích sẽ lưu lại trong tâm trí đối tượng khách hàng DN hướng đến ở bất cứ chiến dịch nào.
Các thông điệp truyền thông cần đáp ứng hai tiêu chí quan trọng: hướng đến người dùng trên quy mô rộng và phù hợp với đối tượng đang hướng đến. Quan trọng hơn, thông điệp truyền thông phải tạo ra những trải nghiệm liên quan đến người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, marketing trải nghiệm, tích hợp trực tuyến (online) và trực tiếp (offline), trong đó lấy hoạt động tiếp thị offline làm nội dung và tạo sự thuận lợi cho người tiêu dùng trong việc chuyển đổi giữa hai kênh này sẽ là xu hướng được các thương hiệu nghiên cứu ứng dụng nhiều hơn tại Việt Nam trong năm 2016 và các năm tới.
Thách thức đặt ra cho công tác xây dựng thương hiệu trong bối cảnh hành vi và kênh tương tác thay đổi vẫn là bài toán về tính nhất quán, sự rõ ràng và mạch lạc của thông điệp giữa các kênh online và offline. Tích hợp online và offline là điều hiển nhiên, tuy nhiên, cần phải đảm bảo tính cô đọng của thông điệp khi truyền tải.
Tiếp thị số trong marketing (digital marketing [4]) đang là cuộc chơi hấp dẫn cho một số nhãn hàng với nhiều tiềm năng đang đợi khai phá. Tuy nhiên, DN cần thận trọng vì việc vội vàng tham gia vào “trận chiến” này khi chưa hiểu biết thấu đáo đâu là nhân tố quyết định sự thành bại của một chiến lược marketing tiếp thị số sẽ gây ra những tổn thất không nhỏ cho chính DN.
Theo DNSG