- Gamma NT - https://congngheweb.vn -

Thị trường nội dung số: Doanh nghiệp thiếu lạc quan!

Cơ hội lớn từ 3G và smartphone

 

 

Một chuyên gia phân tích về thị trường di động ở Việt Nam của hãng nghiên cứu IDC khẳng định, khi công nghệ 3G đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, tốc độ đường truyền dữ liệu tăng cao, số người dùng smartphone cũng đang có xu hướng gia tăng, các dịch vụ nội dung số sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, chắc chắn sẽ có nhiều dịch vụ mới mẻ, đa dạng hơn với nhiều doanh nghiệp tham gia cung cấp. “Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy nếu các dịch vụ giá trị gia tăng chỉ chiếm khoảng 10% trong doanh thu dịch vụ di động của các mạng trước 3G thì tỷ lệ này có thể tăng gấp 3 lần khi triển khai công nghệ 3G”, chuyên gia phân tích của IDC nói.

Và hiện nay, 3G đã được triển khai rất mạnh mẽ tại Việt Nam, và Internet di động được xác định là yếu tố “thiên thời địa lợi” của nội dung số, vì hạ tầng công nghệ đã phát triển, xu hướng thiết bị cũng đang bùng nổ. Tuy nhiên, ông Bùi Trường Sơn, Tổng giám đốc Fenix, một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số, cho rằng thực ra kỷ nguyên của di động mới chỉ bắt đầu, các smartphone sử dụng những nền tảng như iOS, Android hay Windows Phone đang bước đầu thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam.

Hiện tại, các doanh nghiệp Việt hầu như chỉ mới chuyển các hệ thống có sẵn trên nền web sang di động mà chưa tạo được một sản phẩm đột phá, dành riêng cho nền tảng di động. Chính vì thế, theo ông Sơn, viết ứng dụng dành cho di động là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam. Tuy nhiên, chính cơ hội này cũng tạo ra rất nhiều thách thức, cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Cuộc chơi toàn cầu

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông VMG, sự phát triển của thị trường nội dung số gắn liền với hạ tầng và các xu hướng công nghệ. Trong bối cảnh 3G và smartphone phát triển, thị trường nội dung số rất có tiềm năng, đặc biệt với sự phát triển của mobile Internet, nội dung số ngày càng quan trọng và đóng góp một phần doanh thu lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

 

 

“Khi đã có trong tay những mẫu smartphone cao cấp như iPhone hay điện thoại Android, và khi đã quen với việc sử dụng mobile Internet, người dùng sẽ sẵn sàng trả tiền cho việc mua ứng dụng, mua nội dung từ nước ngoài”, ông Hà nói.

Trước thực tế thị trường như vậy, các doanh nghiệp nội dung cũng có thêm nhiều lựa chọn. Họ có thể không đưa sản phẩm của mình qua nhà mạng, mà sẽ đưa lên các kho ứng dụng của iOS, Android hay Windows Phone.

Tuy vậy, cơ hội này cũng mang đến thách thức  mới với các doanh nghiệp Việt, đó là cạnh tranh với những công ty Internet toàn cầu to lớn, hùng mạnh như Google, Facebook…. Để thị trường nội dung số phát triển tại Việt Nam, theo đại diện các doanh nghiệp, cần phải có các cơ chế, chính sách rõ ràng, tạo điều kiện và thúc đẩy việc kinh doanh các dịch vụ như game, giải trí đa phương tiện. Tuy nhiên, hiện tại những chính sách này vẫn chưa được cởi mở. Ngoài ra, cũng cần một chính sách cởi mở của nhà mạng đối với các doanh nghiệp nội dung số.  

Thậm chí, lãnh đạo một doanh nghiệp nội dung số lớn ở Việt Nam còn cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh này, nếu các nhà mạng không cởi mở, hợp tác tốt với các doanh nghiệp nội dung số thì cả hai bên sẽ cùng thua, thị trường nội dung số sẽ rơi vào tay các “đại gia” nước ngoài, bằng chứng như thị trường mạng xã hội trên di động, hiện nay chưa một doanh nghiệp trong nước nào vượt qua được Facebook. Trong khi đó, các công ty toàn cầu như Google, Facebook cũng có chiến lược nội dung số danh cho di động rất sâu, rộng, thu hút được nhiều người dùng, còn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn “mới chỉ trong giai đoạn đầu phát triển”.

Hơn nữa, những doanh nghiệp kinh doanh chân chính lại gặp phải rào cản “con sâu làm rầu nồi canh”, khi có một số doanh nghiệp kinh doanh chưa lành mạnh, gây ra tình trạng tin nhắn rác tràn lan, lừa đảo, hay những dịch vụ có nội dung đồi truỵ…. Vừa qua, thanh tra Bộ TT&TT đã phải quyết định xử phạt gần 2 tỷ đồng đối với 4 doanh nghệp có những hành vi kinh doanh nội dung số lừa đảo, đồi truỵ. Đây chính là những rào cản khiến người dùng “nghi ngại” với các dịch vụ nội dung số, và khiến các nhà quản lý vẫn phải đau đầu tìm lời giải.
 

Theo XHTT