Nhưng nếu truy cập vào một trang web được thiết kế [1] đẹp như Apple.com với nhiều màu sắc nhẹ nhàng và hài hòa như trắng, bạc và xám, lại còn được tạo điểm nhấn bằng những bức ảnh sắc nét, họ sẽ ở lại trang web này lâu hơn.
Theo Tom Shapiro – nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Digital Marketing Now (một công ty thiết kế và tiếp thị kỹ thuật số), khi khách hàng ghé thăm trang web của doanh nghiệp, sau xem qua các quảng cáo bằng hình ảnh hay nhấp chuột vào trang đích đến (landing page) của doanh nghiệp, chỉ trong vài giây là họ sẽ quyết định xem tiếp hay bỏ đi.
Khẳng định sự kết hợp về màu sắc tác động rất lớn đến các phản ứng của người xem, Shapiro đã lưu ý các doanh nghiệp cần thận trọng chọn lựa màu sắc cho các tài liệu tiếp thị và đưa ra những lời khuyên sau đây giúp doanh nghiệp sử dụng màu sắc trong tiếp thị một cách hiệu quả hơn:
1. Trong thiết kế và xây dựng nhãn hiệu
Nhãn hiệu của doanh nghiệp cần phản ánh được những mong đợi của khách hàng về doanh nghiệp, giúp họ quyết định đặt quan hệ mua bán với doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Loyola (bang Maryland, Mỹ), màu sắc giúp tăng độ nhận biết về một nhãn hiệu đến 80%. Do đó, doanh nghiệp nên chọn màu sắc thích hợp với hoạt động kinh doanh của mình nhằm đạt được doanh thu tối đa.
Dưới đây là một số ví dụ về biểu trưng của màu sắc theo quan niệm của các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ:
– Xanh dương là màu của sức mạnh, sự tin cậy và trung thành. Đây cũng là màu chủ đạo của các nhãn hiệu nổi tiếng như IBM, AMEX và Hewlett-Packard.
– Cam là màu gắn liền với sự vui vẻ, phấn khởi, hành động, ấm áp và niềm đam mê. Nickelodeon, Amazon, Fanta Soda và Firefox là những nhãn hiệu khai thác mạnh màu này.
– Đỏ là màu tượng trưng cho năng lượng dồi dào, sự trẻ trung và mạnh mẽ. Những doanh nghiệp lớn chọn màu đỏ làm nền cho nhãn hiệu là Coca-Cola, Virgin, Target và Netflix.
– Xanh lá cây được xem là màu sắc của sự giàu có, thịnh vượng, được nhiều tổ chức tài chính sử dụng, điển hình là Fidelity, H&R Block và TDAmeritrade. Đây cũng là màu sắc thể hiện tính thiên nhiên hay sức mạnh của thiên nhiên và được khá nhiều doanh nghiệp lựa chọn, chẳng hạn Animal Planet, Greenpeace, Whole Foods, Starbucks, Tropicana và Monster Energy.
– Vàng là màu của hạnh phúc, sự lạc quan và thân thiện. Một số nhãn hiệu sử dụng màu này là McDonald’s, Hertz, Nikon, Best Buy và IKEA.
– Hồng là biểu tượng của sự lãng mạn, nữ tính và ấm áp, đang được một số nhãn hiệu như Victoria’s Secret, Baskin Robbins và Barbie khai thác.
2. Trong thiết kế các trang web và trang đích đến (landing page)
Các trang web [2] và trang đích đến là những môi trường lý tưởng để doanh nghiệp thực hiện việc quảng bá nhãn hiệu của mình qua màu sắc, từ đó gây ảnh hưởng đến các hành vi của người tiêu dùng. Vì vậy, nên sử dụng những màu sắc giúp khách hàng kết nối ngay với trang web của doanh nghiệp. Theo nhận xét của Tập đoàn Color Marketing, có đến 85% người mua sắm cho biết màu sắc là lý do hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ.
Shapiro cho rằng các doanh nghiệp nên thường xuyên thử nghiệm các màu sắc khác nhau cho trang web của mình. Điều đó không có nghĩa là thay đổi hình ảnh và cảm xúc chủ đạo mà doanh nghiệp muốn nhãn hiệu của mình tạo ra cho khách hàng, mà là sự điều chỉnh màu sắc trong khuôn khổ đặc điểm nhận diện chung của nhãn hiệu.
3. Trong quảng cáo
Tùy theo chiến dịch quảng cáo, doanh nghiệp có thể cân nhắc sử dụng các màu sắc nằm ngoài bảng màu chủ đạo của mình. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp đang thực hiện một chiến dịch quảng cáo nhấn mạnh sứ mệnh xã hội của mình thì có thể sử dụng các màu sắc hướng đến mục đích này (ví dụ màu hồng dành cho các hoạt động từ thiện chống căn bệnh ung thư) để tăng độ nhận biết của công chúng. Nếu chiến dịch quảng cáo có liên quan đến các lễ hội thì nên sử dụng các màu sắc phù hợp với các lễ hội đó (ví dụ màu đỏ và xanh lục dành cho Giáng sinh, màu cam và đen dành cho lễ hội Halloween).
Quảng cáo trên website [3] cũng là một cơ hội tốt để thử nghiệm các màu sắc trong hình ảnh minh họa, kiểu chữ và các thông điệp kêu gọi khách hàng hành động, do đó việc sử dụng chúng cũng phải hài hòa với trang đích đến liên quan.
Khi quảng cáo dưới dạng hiển thị (display advertising) trên các trang web khác, doanh nghiệp lại phải cân nhắc và thảo luận với các chủ trang web này về việc sử dụng màu sắc sao cho hiệu quả, tránh trường hợp các màu sắc bị “chỏi” nhau hoặc nội dung quảng cáo của doanh nghiệp bị mờ nhạt trước các màu sắc quá mạnh của trang web khác..
Theo MarketingProfs