Giống như các nước đang phát triển khác, công nghệ di động và viễn thông di động cho phép Việt Nam bỏ qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng đắt đỏ. Rajan Andanan – Phó chủ tịch, Giám đốc Điều hành Google [1] Khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á cho rằng, Việt Nam là một trong những thị trường trực tuyến nhộn nhịp nhất thế giới. Tỷ lệ sử dụng internet trên cả nước là 53% và vẫn tiếp tục tăng, vượt qua Indonesia (39%), gần đuổi kịp Thái Lan (59%) và Philippines (56%).
Quốc gia trực tuyến
NTD Việt Nam đang tận dụng lợi thế dữ liệu giá rẻ và thị trường điện thoại thông minh mang tính cạnh tranh cao với băng tần di động 3G, 4G hướng đến đáp ứng nhu cầu của 95% hộ gia đình vào năm 2020. So với các nước trong khu vực, tốc độ bao phủ mạng 3G, 4G hiện nay của Việt Nam đã nhanh hơn 1,5 – 3 lần.
Hệ sinh thái kỹ thuật số đang được lấp đầy bằng các video [2], nội dung truyền thông xã hội và âm nhạc, tạo ra mối tương tác và kéo dài thời gian trực tuyến của NTD. Điều này sẽ tiếp tục được “tiếp sức” bởi cộng đồng những nhà sáng tạo nội dung truyền thông trên YouTube [3] và các trang web nội địa.
Các yếu tố trên đang thúc đẩy việc dịch chuyển dần khỏi các mạng lưới kênh truyền hình, và sự dịch chuyển này ngày càng mạnh mẽ khi các hộ gia đình dần nhận ra sự tiện dụng của việc truy cập theo nhu cầu vào các trang nội dung trực tuyến bằng tiếng Việt đang phát triển với tốc độ vũ bão như hiện nay.
Đối với NTD, rào cản kết cấu của thương mại điện tử [4] vẫn còn đó, đặc biệt là các vấn đề về chi phí hậu cần và thanh toán, bao gồm một phần lớn dân số không sử dụng dịch vụ ngân hàng và không tiếp cận được với dịch vụ thẻ tín dụng. Trong tương lai, những rào cản này sẽ bị gỡ bỏ.
Các báo cáo kinh tế gần đây từ Temasek và Google chỉ ra rằng, Việt Nam đang trên đà tăng trưởng và có dấu hiệu đột phá trong lĩnh vực thương mại điện tử, từ 0,4 tỷ USD hiện nay lên 7,5 tỷ USD vào năm 2025. NTD Việt Nam đang dần hình thành thói quen truy cập internet để tìm ý tưởng cho việc mua bán, nghiên cứu sản phẩm và thương hiệu, kiểm tra sản phẩm sẵn có…
Nhắm đúng khách hàng mục tiêu
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu của Kantar Worldpanels thực hiện tại 4 thành phố lớn và các khu vực nông thôn tiêu biểu của Việt Nam đã cho những kết quả thú vị đối với các doanh nghiệp hàng tiêu dùng.
Thứ nhất, các hộ gia đình kết nối internet tại Việt Nam là những gia đình trẻ và khá giả so với các hộ gia đình chưa sử dụng internet. Chính vì thế, họ có xu hướng tạo ảnh hưởng trên mạng xã hội và thường dễ tiếp nhận các sản phẩm, dịch vụ.
Thứ hai, các hộ gia đình kết nối internet không chỉ giới hạn ở các khu đô thị lớn. Giờ đây, gần một nửa những hộ gia đình nông thôn đã có thể lên mạng, và tỷ lệ truy cập internet ở đây đang tăng gấp 2 – 3 lần so với khu vực thành thị. Điều này bác bỏ quan điểm trước đây cho rằng chỉ nên ưu tiên tiếp thị kỹ thuật số tại các thành phố lớn.
Thứ ba và có lẽ quan trọng nhất là sức mua từ các hộ gia đình có kết nối internet chiếm đến 83% giá trị các ngành hàng như sữa bột, tã, sữa tắm, sữa chua và bia, rượu.
Các chuyên gia tiếp thị đang cố gắng thích nghi với sự thay đổi đáng kể này. Ước tính, tổng chi tiêu cho các hạng mục truyền thông kỹ thuật số nằm trong khoảng từ 0 – 25% tùy theo ngành hàng, thấp hơn khoảng 2,5 – 3 lần so với giá trị đóng góp từ NTD. Dĩ nhiên, việc tăng tỷ lệ chi tiêu cho tiếp thị trực tuyến không dừng lại ở cách tiếp cận mà còn ở tính hiệu quả.
Nghiên cứu của Millward Brown (công ty nghiên cứu thị trường chuyên về thương hiệu và truyền thông) trên tất cả các kênh truyền thông đối với nhãn hiệu hàng tiêu dùng trong năm 2013 – 2015 cho thấy, hiệu quả của quảng cáo kỹ thuật số trên mỗi USD chi tiêu cao hơn nhiều so với chi tiêu trên truyền hình, quảng cáo ngoài trời và in ấn.
Thế nhưng, trên thực tế, ngân sách quảng cáo [5] trên các kênh kỹ thuật số được quyết định theo cảm tính, mang tính cá nhân hơn là dựa trên các dữ liệu và hiểu biết về sức mua theo ngành hàng của các hộ gia đình có kết nối internet. Chẳng hạn, báo cáo Ad Reaction gần đây của Millward Brown cho thấy, 2/3 thời gian xem video tại Việt Nam là thời gian trực tuyến (đối với những người trẻ ở TP.HCM và Hà Nội). Tuy nhiên, ngân sách quảng cáo trực tuyến chỉ chiếm 10% tổng ngân sách tiếp thị.
Theo DNSG