Windows 10 sẽ có trình duyệt mới, nghĩa là Internet Explorer sẽ dần bị lãng quên. Một kết cục khó tránh khỏi khi người khổng lồ Microsoft ngủ quên trong chiến thắng và chậm nhận ra xu hướng di động.
Trung tuần tháng ba vừa qua, Microsoft chính thức xác nhận Internet Explorer (IE [1]) sẽ không còn là trình duyệt mặc định trên nền tảng Windows tiếp theo. Thay vào đó, công ty sẽ dùng một tên gọi khác cho trình duyệt mới từ dự án Spartan – “Spartan Project”, đang được phát triển cùng Windows 10.
Tại sự kiện Microsoft Convergence 2015 diễn ra ở Mỹ, giám đốc marketing [2] của Microsoft, ông Chris Capossela cho biết, IE vẫn tiếp tục có mặt trên Windows 10 chạy song song với trình duyệt [3] mới, nhưng chủ yếu để phục vụ cho người dùng doanh nghiệp có nhu cầu chạy các ứng dụng của họ. Trong khi đó trình duyệt mới sẽ đem lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
Như vậy, IE chưa bị Microsoft “khai tử” như nhiều trang công nghệ [4] vội vàng đưa tin. Nhưng theo cách diễn đạt của Microsoft có thể hiểu rằng IE không còn “hợp thời” nữa. Và vì là lựa chọn thứ hai, sau Spartan Project (sẽ có tên mới khi Windows 10 được phát hành vào hè này) trên Windows 10, nên IE xem như không còn tương lai.
Một kết cục buồn khó tránh khỏi cho trình duyệt của Microsoft sau 20 năm cống hiến, góp phần giúp cho thế giới Internet [5] lan tỏa rộng lớn như ngày nay.
Tượng đài một thuở và những thăng trầm
Năm 1995, Microsoft chính thức tung ra Internet Explorer phiên bản đầu tiên để cạnh tranh với Netscape khi đó đang thống trị địa hạt trình duyệt web còn non trẻ. IE được Microsoft phát triển từ mã nguồn trình duyệt Mosaic nổi tiếng thời bấy giờ, với giấy phép nhượng quyền phát triển từ công ty Spyglass. Chỉ sau 4 năm, IE trở thành trình duyệt được nhiều người sử dụng nhất vào năm 1999, khi IE 5 được cài sẵn trên Windows 98 Second Edition. Trình duyệt của Microsoft tiếp tục tăng trưởng nhanh và đạt tới “đỉnh” 95% thị phần vào khoảng thời gian 2002 – 2003 với sự góp sức của IE 6 phát hành vào năm 2001 cùng Windows XP – phiên bản Windows thành công nhất từ trước tới nay.
Bắt đầu từ đây thị phần của IE giảm dần trước sự cạnh tranh quyết liệt từ các trình duyệt web khác được thiết kế tốt hơn, trong đó nổi bật là Mozilla Firefox và về sau còn có thêm đối thủ đáng gờm Google Chrome.
Internet Explorer nhanh chóng thành công rực rỡ và trở thành cái tên “đình đám” chủ yếu là nhờ được Microsoft tích hợp miễn phí vào Windows (từ phiên bản 4.0 phát hành vào năm 1997). Nhưng đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến vụ kiện chống độc quyền của chính phủ Mỹ nhắm vào người khổng lồ phần mềm vào năm 2001.
Sau vụ kiện, Microsoft đã phải đổi tên đầy đủ của trình duyệt “Microsoft Internet Explorer” thành “Windows Internet Explorer” kể từ phiên bản IE 7 được phát hành cùng Windows Vista vào năm 2006. Đến năm 2013, Microsoft bỏ chữ Windows, gọi ngắn gọn là Internet Explorer cho phiên bản IE 11 phát hành cùng Windows 8.1.
Trong quá trình hình thành và phát triển, IE không chỉ có thành công mà còn để lại nhiều tai tiếng. Phiên bản IE 6 “nổi tiếng” có nhiều lỗ hổng bảo mật, đến mức nhiều chuyên gia bảo mật khuyên người dùng tránh xa. Thậm chí vào năm 2006, PC World Mỹ xếp IE 6 đứng hàng thứ 8 trong 25 sản phẩm công nghệ tệ nhất trong mọi thời đại, cho rằng đây “có lẽ là phần mềm kém nhất quả đất về bảo mật”.
Sự yếu kém của IE 6, và phải mất 5 năm sau đó mới có IE 7 thay thế, là cơ hội “vàng” chia sẻ thị phần cho trình duyệt nguồn mở Firefox được Mozilla phát hành lần đầu vào năm 2004. Và tới năm 2008 lại có thêm Google Chrome cạnh tranh quyết liệt. Sự xuất hiện của những trình duyệt hiện đại hơn càng làm bộc lộ những nhược điểm cố hữu của IE như: chạy chậm, hỗ trợ các Extension không phong phú, tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật… nhưng Microsoft lại chậm chạp trong việc sửa lỗi và đưa ra các bản vá.
Điều không may nữa cho IE ở giai đoạn sau này là Windows bắt đầu gặp hạn với “thảm họa” mang tên Vista và một Windows 8 “lạc lối”. Kết quả là dù Microsoft đã nỗ lực cải tiến trình duyệt và ra sức quảng cáo cũng không giành lại được thị phần đã mất vào tay các đối thủ Chrome và Firefox [6] được thiết kế hiện đại và thông minh.
“Trắng tay” trên địa hạt di động [7]
IE đã bị chán ghét từ lâu, nhưng thị phần tính riêng cho thị trường máy tính để bàn vẫn còn giữ được ổn định trong khoảng 55 – 60%, theo số liệu của Net Applications những năm gần đây. Đó là nhờ nhiều người dùng PC sử dụng IE chỉ vì nó được cài sẵn trên máy. Đáng tiếc cho Microsoft là với di động, IE không được may mắn như trên trận địa PC, nơi Windows thống trị với hơn 90% thị phần. Người dùng Android và iOS có thể chạy Opera hoặc một trình duyệt khác, nhưng không có lý do gì để chạy IE trên thiết bị của họ.
Theo số liệu của IDC, năm vừa qua, Windows Phone chỉ có 2,7% thị phần trên thị trường smartphone, còn máy tính bảng Windows (bao gồm cả thiết bị lai 2-trong-1), dù khá hơn cũng chỉ có 5,1% thị phần. Còn số liệu của Gartner thì cho thấy, thị phần thiết bị chạy Windows trên toàn bộ thị trường thiết bị tính toán (gồm: smartphone, tablet, PC, thiết bị lai 2-trong-1) hiện chỉ loanh quanh mức 14%. Điều đó đồng nghĩa với IE chỉ có một thị phần rất nhỏ trên toàn bộ thị trường này. Và tình hình xem ra sẽ khó thay đổi theo hướng tích cực cho IE vào những năm tới.
Theo số liệu năm 2014 của IDC, PC chỉ chiếm chưa tới 17% thị trường thiết bị tính toán. Tỷ trọng này sẽ ngày càng giảm do thị trường PC khó khăn, trong khi smartphone vẫn tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục.
Microsoft chậm nhận ra xu hướng di động, và IE đã tụt hậu trong cuộc chơi.
Bây giờ thì dường như Microsoft muốn nhân cơ hội phát hành Windows 10 để cải tổ lại trình duyệt đã trải qua 20 năm thăng trầm. Từng là “tượng đài” đến nay IE đã đánh mất niềm tin nơi người dùng. Đáng buồn cho IE, những năm gần đây còn được mệnh danh là trình duyệt chủ yếu được dùng để tải về các trình duyệt khác.
Theo PCWorld