Theo Điều 6, Thông tư 24/2015/TT-BTTTT quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên internet thì tên miền .vn sẽ được cung cấp theo nguyên tắc “đăng ký trước được quyền sử dụng trước”. Đây cũng là nguyên tắc chung khi đăng ký tên miền quốc tế (.com, .net, .org…), được áp dụng ở hầu hết các quốc gia, kể cả Việt Nam. Như vậy, dù đã đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhưng tên miền [1] mang tên thương hiệu DN vẫn nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.
Khi DN đánh mất tên miền, không có cách nào khác ngoài việc liên hệ với chủ sở hữu để mua lại (thường giá trị sẽ cao hơn gấp nhiều lần chi phí đăng ký). Trên thực tế, ở Việt Nam đã xảy ra rất nhiều vụ tranh chấp tên miền với các tên tuổi lớn như Vietcombank, Trung Nguyên, Samsung, Agribank…, chưa kể rất nhiều vụ kiện mà hằng tháng các nhà đăng ký tên miền phải thường xuyên tiếp nhận.
Các lý do dẫn đến mất tên miền thường thấy như DN không rành về thủ tục nên giao cho đối tác đăng ký, khi đối tác phá sản hoặc “lật kèo” thì tên miền cũng mất theo. Hoặc phần lớn DN giao việc quản lý tên miền cho nhân viên phụ trách mảng công nghệ thông tin, khi nhân viên nghỉ không bàn giao, DN không nhận được thông báo gia hạn từ nhà đăng ký.
Cũng có trường hợp DN không mất tên miền chính, nhưng các tên miền tương tự đuôi tên miền khác bị đăng ký mất, gây khó khăn cho việc kinh doanh. Ví dụ, BKAV, Viettel, FPT sở hữu tên miền chính là .com.vn, nhưng lại để tên miền bkav.com, viettel.com, fpt.com bị các đơn vị nước ngoài đăng ký mất. Đó là lý do DN cần có kế hoạch bảo vệ tên miền thật rõ ràng từ khâu đăng ký đến quản lý và gia hạn.
1. Quản lý email và tài khoản quản trị
Email rất quan trọng trong việc đăng ký và quản lý tên miền, vì tất cả các thông tin về tài khoản, mật khẩu quản trị, thông báo gia hạn đều gửi về email cho chủ thể đăng ký. Nếu thay đổi email, cần cập nhật ngay lên hệ thống quản lý tên miền.
Về tài khoản quản trị tên miền, cần thường xuyên thay đổi mật khẩu, mật khẩu có độ bảo mật cao với ít nhất 10 ký tự gồm chữ, số, ký hiệu và không có khoảng trắng. Nếu DN có nhiều tên miền thì nên gộp chung trong một tài khoản quản trị để dễ dàng quản lý. Khi nhận bất kỳ thông báo đáng ngờ nào về tên miền thì liên hệ ngay với nhà đăng ký để xác thực.
Trong trường hợp nhờ bên thứ ba đăng ký tên miền (đại lý tên miền, công ty thiết kế web [2], công nghệ thông tin…) thì cần phải đảm bảo hai vấn đề: người đứng tên sở hữu tên miền là DN và đại diện DN nắm quyền quản lý email lẫn tài khoản quản trị tên miền.
2. Không lơ là gia hạn
Thông thường, khi tên miền sắp hết hạn, các nhà đăng ký sẽ chủ động gửi email hay gọi điện cho chủ thể để nhắc gia hạn. Khi được thông báo, DN nên gia hạn ngay để tránh tên miền rơi vào trạng thái tự do, đơn vị khác sẽ đăng ký mất.
Đối với các tên miền chiến lược, DN cần đăng ký ít nhất 5 năm ngay từ đầu. Ngược lại, đối với tên miền gắn với hoạt động ít quan trọng hơn chỉ cần gia hạn 1 – 2 năm là đủ.
3. Sử dụng khóa tên miền
Đây là dịch vụ do nhà đăng ký cung cấp cho chủ thể tên miền. Khi sử dụng dịch vụ khóa tên miền, dù tin tặc có đánh cắp được email quản trị cũng không thể chuyển nhượng, sửa đổi hay xóa tên miền trên hệ thống.
4. Đăng ký bao vây
DN cần có tầm nhìn xa hơn trong việc đăng ký tên miền. Ví dụ, nếu tên miền .vn để khẳng định thương hiệu Việt Nam, thì tên miền .com giúp DN vươn ra quốc tế. Để thương hiệu không bị lợi dụng đưa vào những nội dung bất lợi, có thể đăng ký thêm tên miền .net, .org, .com.vn… Chi phí đăng ký tên miền không cao nên DN cần cân nhắc việc bao vây tên miền, “thà dư còn hơn đăng ký sót” để tránh bị đầu cơ.
Dù đang kiến nghị vấn đề tên miền và thương hiệu cần được xem xét để thống nhất hệ thống quy phạm quản lý và xử phạt, nhưng trước khi có quy định chính thức từ cơ quan nhà nước, DN nên chủ động bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình đối với tên miền.
Theo DNSG