Hiện nay, những người sử dụng nhiều thiết bị số cùng lúc khá phổ biến, thuận lợi cho tiếp thị, quảng bá qua các thiết bị này.
Ông Lê Quốc Vinh, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Le Group thống kê trong ngày đầu triển lãm ôtô Việt Nam (23.10.2013) vừa qua, có đến 25.000 người đến xem, trong đó có 5.000 người biết về triển lãm này qua truy cập trên điện thoại di động (ĐTDĐ), máy tính, sau đó họ đăng ký trực tuyến nhận vé mời tham quan. Ban tổ chức đã gửi đến cho họ vé mời bằng cách nhắn mã số qua điện thoại di động và những khách này đến triển lãm chỉ việc đưa nhân viên kiểm soát vé xem tin nhắn ấy. Phần thưởng cho những người chịu khó đăng nhập và cung cấp dữ liệu là không phải trả 20.000 đồng tiền vào cửa. Đây là một ví dụ cho thấy tác động tích cực của ĐTDĐ, của internet đối với tiếp thị, truyền thông.
Bà Trần Liên Phương, giám đốc nghiên cứu của công ty Epinion công bố một khảo sát vừa thực hiện vào giữa tháng 10.2013, thu thập được 1.200 đáp án trả lời từ những người truy cập internet thường xuyên. Có 90% những người cho biết họ online mỗi ngày, ngày cuối tuần ít hơn một chút do có những cuộc họp mặt gia đình, bạn bè. Đa số nam giới đọc tin tức, phụ nữ thì trò chuyện là chủ yếu. Có 99% người khảo sát có tài khoản trên các mạng xã hội, đông nhất là Facebook. Phần đông lên Facebook để xem thiên hạ nói gì với nhau, nhưng đã xuất hiện một số quảng bá, cập nhật tin tức của công ty hay công việc kinh doanh của cá nhân. Gần 50% người có mua sắm online trong vòng sáu tháng qua, phụ nữ bắt đầu để ý thời trang online. Hội nhóm trên các trang mạng xã hội thể hiện hiệu quả tích cực trong việc tương tác giữa thương hiệu với người sử dụng, làm cho thương hiệu được biết đến nhiều hơn.
Đến giờ những phương tiện truyền thông truyền thống (báo chí, tivi, radio) vẫn còn là những kênh quảng cáo, tiếp thị hữu hiệu, được doanh nghiệp sử dụng, nhưng những công cụ, thiết bị kỹ thuật số hiện đại đã làm cho người ta không chỉ nghe, nhìn quảng cáo mà còn được quyền đối thoại, bình luận về thông tin, quảng cáo ở mọi lúc, mọi nơi. Sự dịch chuyển này đang tác động đến lĩnh vực truyền thông, quảng cáo ở Việt Nam.
Ông Lê Quốc Vinh cho biết, những cơ quan báo ở Việt Nam vừa có báo điện tử vừa có nội dung cho ĐTDĐ thì số người sử dụng ĐTDĐ chỉ chiếm khoảng 20% so với tổng số người đọc báo điện tử, nhưng doanh thu quảng cáo thu được bằng doanh thu trên báo điện tử. Ông lý giải, ĐTDĐ có lợi thế hơn hẳn các thiết bị điện tử khác là giúp người cung cấp thông tin biết được người tiếp nhận thông tin của mình là ai, từ đó biết họ thích xem loại thông tin gì để cung cấp cho phù hợp. Các nhà quảng cáo cũng phát hiện quảng cáo trên ĐTDĐ thì hiệu quả chắc chắn đến trực tiếp người sử dụng. Vì vậy, theo các nhà quảng cáo, nội dung phải khác nhau trên các phương tiện truyền thông khác nhau để làm cho người ta cùng một lúc phải xem trên nhiều phương tiện.
Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp Việt Nam hoạch định khoản chi mỗi năm cho truyền thông quảng cáo nói chung, thì làm sao có kế hoạch dành ngân sách quảng cáo hàng năm cho truyền thông số. Các công ty thương hiệu lớn tại Việt Nam chỉ dành khoảng 5% ngân sách tiếp thị quảng cáo cho truyền thông số.
Theo SGTT
Tham khảo thêm:
>> 5 lý do bạn lựa chọn Gamma NT [1]
>> Giải pháp trọn gói phát triển Website doanh nghiệp [2]
>> Tư vấn giải pháp phát triển thương hiệu online [3]
>> Phát triển thương hiệu trực tuyến: Nội dung phải đặc sắc [4]
>> Dịch vụ Tư vấn giải pháp phát triển thương hiệu online [5]
>> Dịch vụ Quảng cáo và truyền thông trên Trang Thông tin điện tử Xi măng Việt Nam: ximang [6]