- Gamma NT - https://www.congngheweb.vn/en -

Từ quản lý giỏi đến lãnh đạo xuất sắc

Trước hết, chúng ta cần định nghĩa lại lãnh đạo là gì? Đó là hoạt động dẫn dắt một nhóm người hoặc một tổ chức, bao gồm: thiết lập và chia sẻ tầm nhìn, cung cấp thông tin, kiến thức, phương tiện, phối hợp và giải quyết những xung đột giữa các thành viên.

Sự thay đổi quan niệm về phong cách của một nhà lãnh đạo đã diễn tiến theo thời gian. Trước, chúng ta hình dung lãnh đạo là một người độc đoán, trung tâm cá nhân, tập trung nhiều vào công việc; thì nay, lãnh đạo là người biết hòa hợp, chia sẻ, làm việc và chỉ huy đội nhóm theo một hệ thống, không tập trung nhiều cá nhân mà tập trung vào văn hóa giá trị, toàn cầu và đa quan điểm.

Thông qua các cuộc khảo sát trên toàn cầu, đang tồn tại 7 phong cách lãnh đạo cơ bản là: chuyên quyền, dân chủ, đại diện, thu hút, phục vụ, chuyển giao và thay đổi.

Mỗi một phong cách đều có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, trong khi đó, thực tế tại doanh nghiệp Việt Nam lại cho thấy rất nhiều doanh nghiệp đang có cung cách quản trị theo hình thức đề bạt các cấp quản lý vào các vị trí đòi hỏi thể hiện những năng lực lãnh đạo, những phong cách lãnh đạo mà đôi khi chính những người được đề bạt lại không được đào tạo để xác định cho mình một phong cách lãnh đạo, những khả năng thể hiện năng lực quản lý, kết hợp lãnh đạo của bản thân.

Do đó mới xuất hiện tình trạng chung của doanh nghiệp Việt Nam là thừa quản lý, thiếu lãnh đạo, thiếu những người có khả năng truyền cảm xúc, xác định tầm nhìn và cuốn hút mọi nhân sự trong công ty cùng tiến lên một giá trị mới.

Có 3 sai lầm phổ biến trong tư duy về quản lý và lãnh đạo. Thứ nhất, cứ nghĩ quản lý là lãnh đạo và ngược lại. Thứ hai, lãnh đạo tức ám chỉ những người ở vị trí cao nhất trong một cấu trúc tổ chức. Và thứ ba, lãnh đạo là thiên bẩm. Chúng ta cần phải xác định lãnh đạo là người có thể được tạo ra, chứ không phải được sinh ra.

 

AMH

Vậy làm thế nào để có thể tạo ra lãnh đạo xuất sắc trong một doanh nghiệp, một tổ chức?

Trước tiên, cần nhận biết 8 dấu hiệu để xác định khả năng thất bại trong quản lý và lãnh đạo: không biết giao tiếp (không biết lắng nghe), không biết lãnh đạo (không biết cách nói sự thật và tạo dựng lòng tin), không thay đổi (khó thích nghi với mọi biến động), không có khả năng thiết lập mối quan hệ, không có khả năng mang lại kết quả như kỳ vọng, không có năng suất công việc cao, không giúp nhân viên phát triển và không chú ý phát triển bản thân.

Như vậy, để có thể phát triển một nhân viên thành một nhà lãnh đạo xuất sắc, điều quan trọng là phải có chiến lược xây dựng mô hình lãnh đạo trong từng doanh nghiệp, phát triển những điểm mạnh của các nhà quản lý và trên hết mỗi một nhà quản lý, lãnh đạo đều phải biết thay đổi thái độ của bản thân. Thay đổi mới có thể “tạo ra” những con người mới, phong cách mới.

John Maxwell, bậc thầy về nghệ thuật lãnh đạo, cho biết: “Có một thực tế rằng 99% lãnh đạo đều không xuất phát từ cấp cao mà từ cấp trung trong một tổ chức”.

Do đó, không phải tất cả những người có chuyên môn giỏi đều có thể làm quản lý giỏi và ngược lại; điều quan trọng là bạn phải biết được mình là ai, đang đứng ở đâu, có những kỹ năng quản lý con người nào và cần phải phát triển những kỹ năng nào tiếp theo.

Biết được mình là ai đã là một thách thức. Biết mình đang đứng ở đâu càng là một thách thức với chính bản thân mỗi người.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và doanh nghiệp Việt Nam đang phải nỗ lực tái cơ cấu như hiện nay, có lẽ, bên cạnh nỗ lực tái cơ cấu nhân sự của doanh nghiệp, mỗi một nhân sự, kể cả các nhà quản lý cấp trung – nơi có thể xuất hiện những lãnh đạo trung tâm và xuất sắc – cũng cần phải tự nhìn lại và định vị lại năng lực của bản thân, để có được sự tương thích với doanh nghiệp của mình trong nội tại cơ cấu mới mẻ ở thì tương lai.

Theo DNSG *