- Gamma NT - https://www.congngheweb.vn/en -

Trách nhiệm xã hội – chiến lược bền vững của doanh nghiệp

 
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

 

Trước đây, khi nhìn vào sự thành công của một DN, nhiều người mới chỉ dừng lại ở việc xem xét các chỉ tiêu hữu hình như doanh số, lợi nhuận, mức lương trả cho nhân viên hay số thuế đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Trong khi đó, những chỉ tiêu vô hình như trách nhiệm xã hội của mỗi DN hầu như chưa được nhắc đến. Và đã có nhiều ý kiến cho rằng, các vấn đề trách nhiệm xã hội là của Nhà nước chứ không phải của DN. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thức về trách nhiệm xã hội của chính các DN đã thay đổi. Thực tế, không chỉ những DN lớn mà ngay cả những DN nhỏ và vừa vẫn đạt lợi nhuận trong khi vẫn thực hiện trách nhiệm của mình với xã hội.

Kết quả khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội thực hiện tại 24 DN thuộc hai ngành dệt may và da giày đã chỉ ra rằng, nhờ thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội như: xây dựng chế độ lương, thưởng hợp lý; tạo điều kiện cho người lao động có nơi làm việc an toàn, hợp vệ sinh; xây dựng nhà ở cho công nhân… doanh thu của các DN này đã tăng 25%, năng suất lao động cũng tăng từ 34,2 triệu đồng/lao động/năm lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm, tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%.

Khảo sát cũng chỉ ra rằng, ngoài hiệu quả kinh tế, các DN còn có lợi từ việc tạo dựng hình ảnh với đối tác kinh doanh, sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút lao động có chuyên môn cao. Hiện nay, gắn trách nhiệm xã hội với sự phát triển bền vững của DN đang là một xu thế tất yếu trên đường hội nhập của các DN, bởi trách nhiệm xã hội mang lại lợi ích cho DN, cho xã hội và nâng cao khả năng cạnh tranh của DN. Việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội chính là đầu tư cho chiến lược kinh doanh dài hạn và tăng trưởng bền vững của DN.

Theo Giám đốc Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững Nguyễn Quang Vinh, khó khăn lớn nhất mà các DN gặp phải khi thực hiện trách nhiệm xã hội là do chưa hiểu đúng và thống nhất thế nào là trách nhiệm xã hội chứ không phải là chi phí để thực hiện trách nhiệm xã hội. Thực tế, trách nhiệm xã hội không chỉ đơn thuần là thực hiện các hoạt động mang tính nhân đạo như cách hiểu của nhiều DN mà còn bao gồm trách nhiệm bảo đảm tăng trưởng kinh tế hiệu quả, tuân thủ pháp luật, đạo đức kinh doanh, chia sẻ khó khăn với cộng đồng và quan trọng hơn là vì sự tồn tại của chính DN đó.

Chính vì chưa hiểu rõ hết vai trò quan trọng cũng như lợi ích từ việc thực hiện trách nhiệm xã hội đem lại nên nhiều DN đã không thực hiện nghiêm túc trách nhiệm xã hội của mình. Điều đó thể hiện ở các hành vi gian lận trong kinh doanh, sản xuất hàng kém chất lượng, cố ý gây ô nhiễm môi trường để tối đa hóa lợi nhuận… Ngoài ra, nhiều DN vi phạm các quy định pháp luật về lương bổng, chế độ bảo hiểm, vấn đề an toàn lao động cho người lao động đã và đang gây bức xúc cho xã hội.

Để các DN nước ta thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng phê duyệt và ban hành Bộ Tiêu chuẩn về Trách nhiệm xã hội (ISO 26000) mà quốc tế đang áp dụng. Bộ tiêu chuẩn này ra đời sẽ là công cụ hữu hiệu giúp các DN có những sáng kiến hay, hiện thực hóa thành những hành động thiết thực. Bộ tiêu chuẩn sẽ giúp mỗi DN ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình với xã hội.

Theo đó, song song với với việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tối đa hóa lợi nhuận, mỗi DN phải chịu trách nhiệm về những hệ quả từ hoạt động của mình, phải tôn trọng khách hàng cũng như dân cư nơi DN hoạt động, và trên hết, phải tôn trọng môi trường tự nhiên. Nếu không, những kết quả tạo ra được từ hoạt động kinh tế sẽ không thể nào bù đắp hết những tổn hại to lớn và lâu dài về xã hội và môi trường.
 

Theo Đại biểu Nhân dân