- Gamma NT - https://congngheweb.vn/en -

Giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt khó – Thời điểm khó khăn của doanh nghiệp

 

106

Các doanh nghiệp sản xuất cơ khí đang phải đối mặt với khó khăn do sản phẩm tồn kho lớn.

 

Bức tranh toàn cảnh

 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là loại hình doanh nghiệp [1] chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay. DNNVV đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra chỗ làm việc, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo. Theo số liệu của Hiệp hội DNNVV Việt Nam, trong mấy năm gần đây, hằng năm khối DNNVV tạo thêm trên nửa triệu lao động mới; hiện đang sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP… Số tiền thuế và phí mà các DNNVV tư nhân đã nộp cho Nhà nước tăng 18,4 lần sau 10 năm qua. DNNVV cũng đã và đang là nơi hoạt động có hiệu quả nhất trong việc huy động các khoản tiền đang phân tán, nằm trong dân cư để hình thành các khoản vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

 

Thế nhưng, loại hình doanh nghiệp này cũng đang gặp khó khăn nhất trong cộng đồng doanh nghiệp. Đại đa số các doanh nghiệp phải giải thể trong thời gian qua là DNNVV.

 

Phó cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Thái Dũng Tiến cho biết: Hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV trên địa bàn Hà Nội đang trong giai đoạn đỉnh điểm khó khăn. Trong 4 tháng đầu năm 2013, Hà Nội đã có gần 4000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, đại đa số các doanh nghiệp ngừng hoạt động là DNNVV.

 

Không chỉ riêng Hà Nội mà tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đang lâm vào cảnh khó khăn. Đến các DNNVV, chúng tôi hiếm thấy sự hồ hởi, phấn khởi như mấy năm trước mà thay vào đó là lời kêu than về khó khăn. Theo báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 31.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 156,43 nghìn tỷ đồng, khoảng 8.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động cũng đã quay trở lại hoạt động. Trong khi đó, có khoảng 3.600 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2012. Đặc biệt, có khoảng 19.600 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2012. Năm 2012, có tới 69% doanh nghiệp báo cáo lỗ, con số doanh nghiệp thua lỗ lớn nhất từ trước đến nay. Dự báo trong 6 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp lỗ cũng sẽ không giảm.

 

106

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp kinh doanh lúa, gạo.

 

Khó nhất là tiếp cận vốn vay

 

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhận định: Khó khăn nhất của các DNNVV hiện nay là việc tiếp cận vốn vay. Hiện nay, chỉ có 30% các DNNVV tiếp cận được vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải sử dụng vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác (trong số này có nhiều doanh nghiệp vẫn phải chịu vay ở mức lãi suất cao hơn 15%/năm). Điều kiện vay vốn hiện nay chưa phù hợp với DNNVV, rất ít các doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện không được nợ thuế quá hạn, không nợ lãi suất quá hạn.

 

Chủ tịch Hiệp hội DNNVV của thành phố Hà Nội Đỗ Quang Hiển cho biết: Từ đầu năm 2013 đến nay, lãi suất ngân hàng tuy đã có chiều hướng hạ, nhưng vẫn ở mức cao, yêu cầu bên vay phải có tài sản thế chấp, trong khi đó không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được, nhất là DNNVV.

 

Qua khảo sát của Viện Phát triển doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho thấy, 55% trở ngại mà các DNNVV gặp cản trở khi tiếp cận với vốn vay là do thủ tục vay (hồ sơ vay vốn phức tạp, không đủ thủ tục vay vốn đơn giản cho các DNNVV); 50% trở ngại yêu cầu thế chấp (thiếu tài sản có giá trị cao để thế chấp, ngân hàng không đa dạng hóa tài sản thế chấp như hàng trong kho, các khoản thu…); 80% tỷ lệ lãi suất chưa phù hợp. Viện Phát triển doanh nghiệp cho rằng, các điều kiện vay vốn hiện nay chưa phù hợp với DNNVV.

 

Tại cuộc hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng VP Bank cho biết: Ngân hàng rất muốn hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhưng thực tế ngân hàng VP Bank cũng là doanh nghiệp nên phải bảo toàn vốn. Thực tế, chỉ có khoảng 30% số DNNVV tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đủ điều kiện vay vốn.

 

Hàng tồn kho nhiều

 

Ngoài khó khăn về vốn, các DNNVV còn gặp nhiều trở ngại về công nghệ. Kết quả khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây cho thấy, trình độ khoa học công nghệ và năng lực đổi mới trong DNNVV của Việt Nam còn thấp. Số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ còn rất ít. Số lượng nhà khoa học, chuyên gia làm việc trong các doanh nghiệp chỉ chiếm 0,025% trong tổng số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp. Khoảng 80-90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các doanh nghiệp của Việt Nam là nhập khẩu và 76% từ thập niên 1980-1990, 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao.

 

Công nghệ sản xuất lạc hậu là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, hàng tồn kho của các DNNVV nhiều. Theo báo cáo của Hiệp hội DNNVV, do sức tiêu thụ của thị trường giảm sút, nhiều DNNVV phải chủ động thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng. Hàng tồn kho trong một số ngành hàng tăng cao như bất động sản, vật liệu xây dựng, nông sản… nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải đối mặt với các khoản vay lớn của ngân hàng, đến hạn trả nhưng không có nguồn thu, không còn tài sản và khả năng huy động vốn để duy trì kinh doanh. Hầu hết các thị trường truyền thống của Việt Nam đều bị thu hẹp. Các thị trường mới thì thiếu tính ổn định, chủ yếu hợp đồng ngắn hạn theo thời vụ.

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-5-2013 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,3% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học tăng 46,8%; sản xuất đồ uống tăng 32,9%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 32,2%; sản xuất kim loại tăng 26,6%; sản xuất thiết bị điện tăng 26,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 25,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 16%…

 

Tiến sĩ Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam, cho rằng, lãi suất ngân hàng không còn là rào cản tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp, vấn đề cấp bách hiện nay là phải giải quyết được nợ xấu và hàng tồn kho của các doanh nghiệp này.

 

Theo QĐND