- Gamma NT - https://www.congngheweb.vn/en -

Doanh nghiệp chưa qua “tâm bão”

  Sắt thép
Doanh nghiệp rất cần các chính sách hỗ trợ

Nhiều doanh nghiệp giải thể

Chi phí đầu vào cao và sản phẩm tiêu thụ chậm đã dẫn đến hàng tồn kho dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao, tình hình sản xuất tăng trưởng chậm được phản ánh khá rõ nét qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) từ tháng 1 đến hết tháng 4/2013 chỉ tăng trưởng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2012, thấp hơn mức tăng 5,9% của năm 2012 so với cùng kỳ 2011.

Nếu như sắt, thép, xi măng và một số mặt hàng thuộc lĩnh vực xây dựng đã có sự tăng trưởng khá, giảm đáng kể lượng hàng tồn kho thì ở nhiều mặt hàng chế biến vẫn tăng trên 13% tính đến đầu tháng 4. Đơn cử, đến hết tháng 4/2013, tổng lượng đường tồn kho của các DN trong nước đã tăng lên 560.320 tấn. Tiêu thụ trong nước chậm, xuất khẩu sang một số thị trường truyền thống như Trung Quốc đang gặp khó, nên nhiều DN sản xuất đường đã phải giảm sản lượng và đã có 10 nhà máy phải dừng sản xuất.

Trong Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam tháng 4/2013, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã chỉ ra rằng: Khả năng tiếp cận vốn ngân hàng hạn chế, kết hợp với những khó khăn trong sản xuất – kinh doanh đang gây ra những tác động tiêu cực, khiến nguồn lực của DN dần cạn kiệt, số DN ngừng hoạt động hoặc phá sản vẫn tiếp tục tăng. 4 tháng đầu năm đã có gần 16,6 ngàn DN giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng xấp xỉ 17% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, các DN thành lập mới giảm cả về số lượng và vốn.

Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2012, nghiên cứu trong giai đoạn 2007-2011, vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cũng đưa ra thực tế đáng lo ngại là tỷ lệ quay vòng vốn của một số ngành tiêu biểu (chế biến thủy sản, sản xuất đồ uống, sản xuất cấu kiện kim loại, bán lẻ thực phẩm đồ uống, quảng cáo và giới thiệu xúc tiến thương mại…) đều có một điểm chung là chỉ số thanh khoản kém, chỉ số nợ không thỏa mãn giá trị kỳ vọng chuẩn và đang có xu hướng tăng lên. Điều này phản ánh tình trạng hoạt động kinh doanh của các DN ngày càng phụ thuộc vào nguồn vốn nợ bên ngoài. Bên cạnh đó, năng lực sử dụng vốn của các ngành nghiên cứu đều có xu hướng giảm; tỷ lệ các DN kinh doanh thua lỗ của 6 ngành đều tăng mạnh trong năm 2011.

Cần có ngay một cách tiếp cận phù hợp hơn khi đưa ra các chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là với DN nhỏ và vừa. Ngoài ra, cần xem xét giảm thêm lãi suất cho vay; củng cố các gói bảo lãnh tín dụng; đẩy mạnh thị trường xuất khẩu và xúc tiến thương mại, nhằm giải tỏa hàng tồn kho.

Cần có chính sách phù hợp

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tốc độ hồi phục tổng cầu thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn liền với xử lý nợ xấu. Mức lãi suất cho vay phổ biến từ 9-12%/năm với lĩnh vực ưu tiên và 11-15%/năm với các lĩnh vực khác, chưa đủ hấp dẫn DN vay vốn đầu tư trong bối cảnh tổng cầu của nền kinh tế còn yếu như hiện nay. Nếu không có những giải pháp cụ thể và thiết thực hơn, đặc biệt là nhanh chóng khai thông điểm nghẽn của thị trường bất động sản thì việc giảm hàng tồn kho cũng như tăng sản xuất của các DN là không dễ dàng. Giám đốc một DN trong lĩnh vực thực phẩm có trụ sở tại Hưng Yên chia sẻ: “Với chi phí đầu vào cao như hiện nay, hàng không bán được thì lãi suất lên tới 13% thực sự là gánh nặng với DN. Chúng tôi đã phải cho lao động nghỉ việc luân phiên và thu hẹp sản xuất. Nếu như không có các chương trình kích cầu của nhà nước thì sẽ có nhiều DN tiếp tục phá sản”.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đưa ra kiến nghị, các chính sách nên ưu tiên mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Điều đó có nghĩa là bên cạnh các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn thì cần hỗ trợ cả tổng cầu; các giải pháp hỗ trợ phải được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng và tính toán sao cho đủ liều lượng.

Theo Báo Công Thương