- Gamma NT - https://congngheweb.vn/en -

Tiếp thị trực tuyến: Vũ khí tối thượng của DN

Bán hàng không mặt bằng

Tiếp thị rất quan trọng đối với doanh nghiệp (DN), và tiếp thị trực tuyến [1] (TTTT) càng quan trọng hơn, đặc biệt trong thời buổi “công nghệ số” như hiện nay.

Tính chung, mỗi năm Lazada có doanh số lên đến 600 tỷ đồng, chiếm đến 30% thị phần bán lẻ trực tuyến. Tương tự, Zalora có mức tăng trưởng 100% trong năm 2013 và tăng đến 170% trong năm 2014. Hiện Zalora có 1,3 triệu khách hàng, thành viên, 5,879 triệu lượt theo dõi trên Facebook và bán ra 36.000 sản phẩm với sự tham gia của hơn 500 thương hiệu thời trang trong nước và quốc tế.

Ông Jose Finch – Tổng giám đốc Điều hành Zalora Việt Nam cho biết, việc điều hành của Công ty hoàn toàn dựa vào dữ liệu số. Zalora nắm được tất cả những dữ liệu ghi nhận lượng người đang truy cập vào website, số lượng người đang xem một sản phẩm nào đó, tỷ lệ người xem hàng và thanh toán liền hay xem sản phẩm và rời khỏi trang là nhờ các ứng dụng của công nghệ thông tin. Dựa vào những dữ liệu này, Zalora có thể đưa ra những quyết định kịp thời cho chiến lược kinh doanh phù hợp.

Và không chỉ có các website bán hàng trực tuyến nước ngoài, các DN trong nước cũng đầu tư mạnh cho dịch vụ “bán hàng không mặt bằng” và đã gặt hái thành công.

Cụ thể, doanh thu bán hàng trực tuyến của Thegioididong.com trong năm 2014 đạt đến 1.000 tỷ đồng, chiếm 6,4% trong tổng doanh thu của hệ thống này. Thiên Hòa cũng thế, đưa mảng kinh doanh trực tuyến (dienmaythienhoa.vn) vào hoạt động từ năm 2011 đến nay và luôn duy trì tăng trưởng ở mức 200% mỗi năm.

Ông Trần Tấn Hoàng Hậu – Giám đốc Marketing Công ty Điện máy Thiên Hòa cho biết, kinh doanh trực tuyến là xu hướng tất yếu trong thị trường công nghệ số đang phát triển như vũ bão. Đó là lý do trong kế hoạch 2016 – 2020, Thiên Hòa đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến với mục tiêu tăng trưởng 400%/năm.

Để đạt được điều này, Thiên Hòa sẽ kiện toàn bộ máy từ 40 nhân sự hiện nay lên 200 nhân sự trong thời gian tới. Song song đó, Thiên Hòa cũng đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, TTTT thông qua các trang mạng xã hội, Google, website của Công ty…

 

Phải biết cách

Ông Alexandre Dardy – Tổng giám đốc Lazada Việt Nam cho rằng, thương mại di động [2] với hình thức mua sắm trên mạng bằng điện thoại di động thông minh sẽ trở thành xu hướng. Nhóm khách hàng trẻ tuổi ở Việt Nam sẽ rất thích hợp với phong cách mua sắm này.

Còn theo thống kê của Hãng Nghiên cứu thị trường Flurry Analytics, mức tăng trưởng số lượng người dùng điện thoại thông minh ở Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới. Đây là điều kiện tốt để DN mở thêm kênh bán lẻ trực tuyến thông qua các ứng dụng di động iOS, Android.

Google với hơn 95% doanh thu đến từ quảng cáo trực tuyến [3], cho thấy tầm quan trọng của quảng cáo trực tuyến, của thế giới tiếp thị số (digital marketing) đang hiện hữu. Thế nhưng, điều đáng buồn là DN Việt Nam vẫn chưa tận dụng được thế mạnh từ công nghệ số.

Ông Tuấn cho rằng: “Đa phần DN Việt Nam vẫn chưa đầu tư nhiều cho mảng TTTT, trong khi đây là kênh có thể giúp xóa bỏ mọi khoảng cách về không gian, thời gian và DN hoàn toàn có thể tiếp thị sản phẩm, dịch vụ 24/7 trên toàn thế giới”.

Báo cáo hành vi người dùng trực tuyến được Google Pacific đưa ra hồi giữa năm cho thấy, có đến 44% trong tổng số 40 triệu người dùng internet tại Việt Nam chưa mua hàng trực tuyến và chưa có ý định này. Vì sao người tiêu dùng lại hạn chế mua hàng trực tuyến trong khi số người dùng internet của Việt Nam ngày một tăng cao?

Theo các chuyên gia, đó là vì tâm lý người tiêu dùng vẫn chưa yên tâm với thanh toán trực tuyến. Thống kê của Thiên Hòa cho thấy, thông thường, người mua trực tuyến sẽ đến cửa hàng xem sản phẩm, sau đó vào các website dọ giá rồi mới quyết định mua trực tuyến hay không.

Tuy mua hàng trực tuyến nhưng đến 80% khách thanh toán bằng tiền mặt. Ông Trần Tấn Hoàng Hậu cho rằng, người tiêu dùng vẫn chưa yên tâm khi thanh toán bằng thẻ ghi nợ nội địa, qua ví điện tử… vì liên quan đến bảo mật thẻ.

Về phía DN, theo ông Tuấn, có nhiều DN đầu tư cho TTTT nhưng thất bại vì thiếu kinh nghiệm quản lý, lúng túng trong triển khai kế hoạch.

“Để đầu tư tiếp thị hiệu quả cần có đội ngũ am hiểu về lĩnh vực này và phải được học, nghiên cứu kỹ trước khi vận dụng. Trong tiếp thị, thông điệp là cực kỳ quan trọng vì nó quyết định hiệu quả của chiến dịch. Bởi, một thông điệp hay, ý nghĩa sẽ giúp tăng lượng người xem và người tìm hiểu sản phẩm của DN”, ông Tuấn chia sẻ.

Cũng theo ông Tuấn, có 6 vấn đề mà DN khi triển khai TTTT cần chú ý, đó là đầu tư các kênh TTTT, kiểm soát chi phí, kiểm soát hiệu quả, thực hiện chiến dịch liên tiếp để tạo hiệu ứng mạnh, thông điệp truyền thông phải hay và phải kiểm soát được rủi ro.

“Giải quyết được 6 vấn đề này, DN sẽ triển khai thành công chiến lược TTTT và như vậy cũng sẽ thành công trong bán hàng trực tuyến”, ông Tuấn khẳng định. 

 

Theo DNSG