- Gamma NT - https://www.congngheweb.vn/en -

Thương mại điện tử: Khó nhất khâu xây dựng thương hiệu

Đặc biệt Nghị định 52/2013/NĐ-CP lần này đã có rất nhiều thay đổi, bổ sung so với Nghị định cũ ban hành cách đây gần 7 năm. Song song với ngày có hiệu lực, Bộ Công Thương cũng chính thức ban hành Thông tư 12 hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định thay vì Nghị định phải chờ thông tư như các văn bản trước đây…

2013 – hoàn thiện cơ bản chính sách TMĐT

Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện cả nước có trên 3.400 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trên toàn quốc có hoạt động giao dịch TMĐT. Với 60% doanh nghiệp chấp nhận phương thức kinh doanh B2B (trong đó 95% chấp nhận đơn đặt hàng trực tuyến); 30% doanh nghiệp có hoạt động TMĐT chiếm trên 15% tổng doanh thu của họ. Năm 2012, doanh thu dịch vụ bán lẻ TMĐT đạt 600 triệu USD; giao dịch TMĐT chiếm 2,5% GDP của Việt Nam, tương ứng với gần 2 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt tới 6 tỷ USD vào năm 2015.

Tuy nhiên, để xây dựng được các thương hiệu mạnh và tạo được niềm tin của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch điện tử vẫn cần thời gian để người dân thích nghi và tạo niềm tin.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam nhấn mạnh: Các yếu tố từng kìm hãm TMĐT vài năm trước như: hạ tầng công nghệ thông tin, khung pháp lý… về cơ bản đã được khắc phục. Khó khăn lớn nhất hiện nay nằm ở thương hiệu của doanh nghiệp và xây dựng lòng tin nơi khách hàng trước những vấn đề như bảo vệ thông tin cá nhân và bảo vệ người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp trong giao dịch mua bán trực tuyến.

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) thừa nhận: TMĐT là phương thức kinh doanh đầy tiềm năng, nhưng các doanh nghiệp phải đi tiên phong xây dựng thương hiệu và niềm tin nơi khách hàng trước. Với tính tốc độ, nhanh nhạy, các hoạt động TMĐT ngày càng phát triển phong phú, mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng. TMĐT là lựa chọn không thể thiếu của các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc xu thế tất yếu đó.

Bất cứ một doanh nghiệp tham gia thương mại quốc tế, quảng bá thương hiệu thì ngoài các kênh giao thương truyền thống, thì TMĐT chính là chìa khóa giúp họ đạt được mục tiêu nhanh hơn khi mở rộng thị trường.

Ông Linh đơn cử, cổng thông tin đặt phòng khách sạn www.agoda.vn được coi là trang TMĐT khá thành công khi kết nối được tới 170.000 khách sạn trong và ngoài nước. Chỉ cần click chuột, đặt phòng và thanh toán trên trang này, khách hàng có thể an tâm với những thông tin mà mình được cung cấp và tự tin với những dịch vụ đặt trực tuyến thay vì phải đến tận nơi rồi bị chặt chém như trước.

Mô hình của agoda không do tự bản thân trang web này làm, các khách sạn, nhà hàng muốn quảng bá thương hiệu của mình cũng phải biết tự kết nối và tìm đến những cổng TMĐT uy tín. Đơn cử, bạn muốn du lịch Cửa Lò, agoda sẽ đưa ra tới 34 khách sạn cho bạn lựa chọn, giá phòng được thay đổi từng ngày theo số lượng, thời gian đăng ký (sớm hay muộn, phòng trống nhiều hay ít…) hoặc dịch vụ khuyến mãi ra sao. Khi liên kết với các sàn/cổng TMĐT, các khách sạn cũng không cần phải bỏ quá nhiều thời gian và tiền bạc để chăm sóc cho website quảng bá riêng lẻ của mình, mọi thông tin về dịch vụ phòng ốc, nghỉ dưỡng của khách sạn liên tục được cập nhật trên các cổng TMĐT, qua đó tạo tính tương tác và chuyên nghiệp khiến khách hàng có sự tin tưởng hơn.

Các loại hình TMĐT phổ biến

Khi nói đến TMĐT, đa số người ta thường hay nhắc đến các loại hình C2C (Consumer to Consumer), B2C (Business to Consumer) hoặc B2B (Business to Business) và gần đây thì có B2T (Business to Team). Nhưng như thế quá chung chung, quá rộng và không thể hiện hết được bản chất của các hệ thống TMĐT.

Theo ông Trần Hữu Linh, về cơ bản TMĐT ở Việt Nam có thể tạm chia theo 5 mô hình như sau: Một là, sàn giao dịch TMĐT bao gồm các website rao vặt, forum mua bán là các website mà người mua và người bán không có hoặc rất ít giao dịch điện tử, chỉ là nơi quảng bá thông tin sản phẩm/dịch vụ sau đó tiến hành giao dịch offline (rongbay.com, 5giay.vn, muare.vn, vatgia.com, enbac.com,…)

Hai là, các website bán lẻ trực tuyến (Online Retail) cho phép khách hàng lựa chọn mặt hàng cần mua sau đó thanh toán qua các hình thức: COD, Online, Money transfer hoặc Cash on Office (solo.vn, tiki.vn, lazada.vn, zalora.vn, zap.vn, vinabook.com, 123.vn,…).

Ba là, các website khuyến mãi, giảm giá đi theo mô hình mua chung, tức là nhiều người cùng mua 1 sản phẩm thì sẽ được giá rẻ (muachung.vn, nhommua.com, hotdeal.vn,…) hoặc các website bán hàng theo hình thức flash sale nhằm mục đích promotion cho sản phẩm/dịch vụ.

Bốn là, các website đấu giá trực tuyến là hình thức gamification nhằm quảng bá sản phầm tới người dùng thông qua tổ chức trò chơi đấu giá xuôi và đấu giá ngược (daugia321.vn, vbid.vn,…)

Và cuối cùng là các website Localize E-commerce (TMĐT địa phương) và dịch vụ với hàng loạt các website hoặc ứng dụng di động phục vụ nhu cầu trong vùng địa lý cụ thể, không phụ thuộc vào hình thức giao dịch online mà qua COD là chủ yếu. Các dịch vụ điển hình như gọi đồ ăn về nhà, đặt bàn, đặt vé,… (chonmon/eat.vn, hungrypanda.vn,…) hoặc các mô hình subscription e-commerce, OTA,…

Tuy nhiên, sau một vài “phốt” của các website TMĐT như: MB24, Nhóm Mua, Deal Sốc… thì việc khẳng định tên tuổi, xây dựng thương hiệu và uy tín đối với khách hàng được coi là yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp. Tầm nhìn, định hướng chiến lược, kế hoạch kinh doanh dài hơi và tìm kiếm những đối tác có tiềm lực tài chính đủ mạnh để phát triển được coi là những sở cứ quan trọng đối với bất cứ doanh nghiệp hoạt động TMĐT nào.

Đứng ở góc độ quản lý chuyên ngành, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT về cơ bản hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy phát triển thương mại nói chung, TMĐT nói riêng. Việc hoàn thiện chính sách về TMĐT cũng nằm trong kế hoạch xây dựng hạ tầng kinh tế nói chung trong đó có hạ tầng thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như vị thế quốc gia. Do vậy, muốn phát triển TMĐT tại Việt Nam bền vững không chỉ cần nỗ lực của Bộ Công thương, mà cần sự chung tay của cả cộng đồng trong đó có mỗi chúng ta với tư cách là những khách hàng tham gia trực tiếp các giao dịch TMĐT hiện nay.

Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT chính thức có hiệu lực kể từ 01/7/2013 với 7 chương, 80 điều quy định cụ thể về hoạt động giao dịch TMĐT ở Việt Nam thời gian tới, đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý về vấn đề này. Theo ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT, Bộ Công thương cũng hoàn thiện Thông tư 12 hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định và chính thức có hiệu lực song hành từ ngày 01/7. Với 7 chương quy định những vấn đề chung, giao kết hợp đồng TMĐT; nguyên tắc, điều kiện, quy trình trong giao kết TMĐT; quản lý an toàn, an ninh thông tin và bảo mật người dùng; giải quyết tranh chấp, khiếu kiện, điều tra vi phạm trong thực thi các giao dịch TMĐT. Theo Nghị định 52, sau 3 tháng, Nghị định có hiệu lực các website TMĐT dù đăng ký trước hay sau Nghị định đều phải tiến hành thông báo, đăng ký theo trình tự tại Nghị định. Ngoài ra, Cục TMĐT cũng tiến hành giới thiệu Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT tại địa chỉ www.online.gov.vn, giới thiệu hoạt động đánh giá tín nhiệm website TMĐT tới các doanh nghiệp.

 

Theo eFinance