- Gamma NT - https://congngheweb.vn/en -

Kantar Worldpanel: Mua sắm trên mạng đang tăng rất nhanh

Kênh bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) online (trực tuyến [1]) sẽ tăng nhanh trên toàn cầu, nếu không theo kịp xu hướng này, doanh nghiệp cũng như nhà bán lẻ sẽ chịu thiệt thòi. Công ty nghiên cứu thị trường [2]Kantar Worldpanel đã đưa ra dự đoán như vậy.

Theo báo cáo do Kantar Worldpanel công bố mới đây, đến năm 2016 các kênh mua sắm trực tuyến sẽ mang về 53 tỉ đô la Mỹ cho thị trường FMCG toàn cầu, tăng 47% so với mức hiện tại là 36 tỉ đô la Mỹ, và đóng góp 5,2% tổng doanh thu thị trường FMCG toàn cầu, trong khi hiện tại con số này là 3,7%.

Báo cáo dự đoán châu Á sẽ là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất. Hàn Quốc sẽ tiếp tục dẫn đầu với các kênh trực tuyến đóng góp 13,8% tổng doanh thu FMCG vào năm 2016. Hiện nay, 55% gia đình Hàn Quốc có mua hàng FMCG trực tuyến – đây là mức mà chưa có nước nào trên thế giới có được.

Theo Kantar Worldpanel, mức tăng trưởng doanh thu trực tuyến của thị trường FMCG cho thấy cơ hội lớn dành cho các nhà bán lẻ và doanh nghiệp [3].

Người tiêu dùng trực tuyến hiện nay, thường là nhóm có thu nhập cao và trung bình, có xu hướng chuộng các sản phẩm có thương hiệu [4] hơn so với các sản phẩm [5] nhãn hàng riêng.

Báo cáo cho thấy, ở Pháp, 55% người tiêu dùng trực tuyến sử dụng cùng một danh sách cho các chuyến mua sắm khác nhau. Do đó, điều quan trọng là các thương hiệu phải đảm bảo có mặt trong danh sách mua sắm của người tiêu dùng để có thể đón đầu cơ hội từ sự tăng trưởng của thị trường FMCG online.

Trong thông cáo từ Kantar Worldpanel hôm 8-7, ông Stéphane Roger, Giám đốc toàn cầu về hành vi mua sắm và các kênh bán lẻ của công ty này cho biết, mặc dù kênh trực tuyến chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng giá trị thị trường FMCG hiện tại, nhưng kênh mua sắm này đang chứng kiến mức tăng trưởng đáng chú ý ở tất cả các nước.

Tương lai sẽ nằm trong tay những thương hiệu và nhà bán lẻ nào biết khai thác cơ hội sẵn có để mở rộng thị trường mục tiêu. Chậm tiếp thu những thay đổi này có thể sẽ gây tổn thất lớn về doanh thu cũng như thị phần, ông Stéphane Roger nói.

Vậy rào cản đối với các nhà bán lẻ và các thương hiệu khi tiếp cận kênh trực tuyến là gì? Theo báo cáo, doanh nghiệp lo sợ sự hiện diện của kênh trực tuyến sẽ ảnh hưởng không tốt đến doanh thu của các kênh khác, và khi mua sắm online, người tiêu dùng sẽ ít trung thành hơn. Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy thực tế hoàn toàn trái ngược với các lo ngại này.

Theo ông Roger, việc cung cấp sản phẩm trên kênh trực tuyến sẽ giúp các nhà bán lẻ tăng thêm tổng doanh thu hơn là làm giảm mức tiêu thụ ở các kênh cửa hàng hiện có.

Ở Việt Nam, thị trường FMCG trực tuyến đang ở giai đoạn sơ khai, với chỉ 2% hộ gia đình thành thị có sử dụng kênh này để mua hàng FMCG và chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng tiêu dùng FMCG trong năm 2013.

Tuy nhiên, cùng với xu hướng mua sắm online đang thịnh hành ở giới trẻ Việt Nam và tỷ lệ kết nối internet cao (63% hộ gia đình thành thị Việt Nam có kết nối internet tại nhà), thị trường FMCG trực tuyến ở Việt Nam, được Kantar Worldpanel dự báo sẽ tăng trưởng cao trong những năm tới.

Báo cáo cũng cho thấy, trong năm 2013, số lần mua FMCG online trung bình mỗi hộ tại Việt Nam là 2 lần. Ngoài ra, giỏ hàng của người mua sắm online nhiều gấp 3 lần so với khi mua ở các điểm mua sắm khác.

Báo cáo dựa trên cơ sở phân tích thói quen tiêu dùng của 100.000 gia đình ở Việt Nam và 10 trong số các thị trường lớn nhất về mặt doanh thu FMCG trực tuyến, gồm Brazil, Trung Quốc, Pháp, Malaysia, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Đài Loan, Anh.
 

Theo TBKTSG