Khoảng lệch năm tài khóa
Thông thường, năm tài chính của DN ước tính từ ngày đầu năm mới cho đến qua lễ Giáng sinh vài ngày. 365 ngày đó là thời gian để DN hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đề ra trước đó. Tuy nhiên, ở thị trường Việt Nam, quy luật này không thống nhất với tất cả DN.
Mỗi DN sẽ có cách tính năm tài khóa của riêng mình. Với những đơn vị sản xuất sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG) chẳng hạn, năm tài khóa thường kết thúc sau Tết Nguyên đán bởi thời gian trước đó chính là “mùa vàng” để tăng doanh số. Khác với ngành FMCG, những đơn vị sản xuất máy móc, thiết bị… có thời điểm chốt lại năm kinh doanh của mình sớm hơn.
Lấy ví dụ từ trường hợp của HP, năm tài khóa thường kết thúc vào cuối lễ Halloween (31/10). Từ ngày 1/11 trở đi là khoảng lặng để chuẩn bị cho thị trường cuối năm.
Theo ông Roy Ng., Giám đốc phụ trách phát triển sản phẩm, Nhóm In ấn và Máy tính cá nhân HP Việt Nam, do những đặc thù trong đời sống mà thị trường Việt Nam hình thành nên những “mùa bán hàng” không giống với các quốc gia trong khu vực cũng như thế giới.
Nếu như các nước có thời điểm toàn thị trường siêu hạ giá mừng Quốc khánh, mừng Lễ Tạ ơn… thì Việt Nam có mùa Tết Nguyên đán, mùa tựu trường… Tuy nhiên, quy luật “mùa bán hàng” ấy cũng không thể áp dụng cho tất cả các ngành hàng.
Thời gian mới xâm nhập Việt Nam, nhiều nhãn hàng cứ áp dụng công thức Tết Nguyên đán là tung ra sản phẩm mới để rồi đối mặt với thất bại.
“Dịp trước Tết Nguyên đán, người Việt chỉ tập trung mua sắm các thiết bị gia dụng, trang trí nhà cửa, quần áo, thực phẩm, điện thoại… Vào dịp này, nếu các hãng đưa ra sản phẩm công nghệ thông tin như máy tính, máy in… thì cầm chắc thất bại”, ông Roy Ng. khẳng định.
Vị giám đốc này tiết lộ, với những sản phẩm công nghệ, chỉ có 3 mùa bán tốt tại Việt Nam là mùa tựu trường (tháng 8 – và 9), mùa sau Tết Nguyên đán (tháng 3 và 4) và Giáng sinh.
Đan xen những thời điểm quan trọng này là các lễ kỷ niệm như Quốc tế Phụ nữ, Lễ Tình nhân…, nhưng doanh số mang về cho các hãng dịp này thường không cao như các đơn vị sản xuất sản phẩm làm đẹp, thời trang…
Nắm được quy luật mua hàng, tuy từ chối tiết lộ doanh số vào thời điểm này nhưng đại diện HP khẳng định, họ đã có một năm 2013 kinh doanh khá thành công tại Việt Nam.
Hiểu thị trường để đón đầu
Không chỉ chọn đúng thời điểm, việc chọn thứ tự ra mắt thị trường cho sản phẩm cũng hết sức quan trọng. Không phải ngẫu nhiên Lazada.vn trực thuộc hệ thống bán lẻ Lazada Đông Nam Á lại chọn cách nép mình, đưa Zalora.vn, trang mua sắm thời trang của mình ra trình làng trước khi đưa thương hiệu chính vào Việt Nam.
Theo bà Lê Huỳnh Kim Ngân, sáng lập viên Action.vn, Lazada.vn là website bán hàng trực tuyến theo mô hình B2C giống Amazon.com. Tuy nhiên, Lazada đặc biệt chú trọng khoanh vùng sản phẩm cho từng website của mình, hay nói cách khác là phân chia công việc cụ thể cho từng website.
“Nếu so sánh với Lazada, trang bán những sản phẩm cao cấp, thiết bị điện tử…, Zalora chỉ bán hàng thời trang, phụ kiện… thì rõ ràng lợi nhuận Zalora thu được cao hơn. Điều này sẽ tạo nền tảng ban đầu cho Lazada. Bên cạnh đó, với Zalora, những người điều hành dùng chính sách tặng voucher hay coupon mua sắm để tạo nên sự chú ý từ phía khách hàng cũng thuận lợi hơn nhiều so với Lazada”, bà Ngân phân tích.
Khéo léo chọn thứ tự ra mắt sản phẩm, khi Lazada danh chính ngôn thuận trình làng là đã có thể thừa hưởng nền tảng người dùng từ Zalora. Do vậy, việc thương hiệu này phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng thời gian qua cũng là điều dễ hiểu.
Ông Christopher B. Beselin, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam, tiết lộ, sau khi Lazada ổn định, đơn vị này đang ráo riết để đưa thêm trang bán hàng Lamido ra thị trường. Đây là một sàn giao dịch điện tử hoạt động theo phương thức C2C, Lamido chỉ là đơn vị trung gian.
“Nếu như cách đây 20 tháng, người dùng Việt Nam vẫn còn e ngại với mua sắm điện tử thì với Zalora và sau này là Lazada, chúng tôi đã giúp họ quen với phương thức này. Việc đưa ra Lamido thời gian tới xem như đã được chuẩn bị trước, tỷ lệ thất bại sẽ thấp hơn”, ông Christopher thừa nhận.
Theo DNSG